(CMO) Nếu trong khu vực chợ có một hộ kinh doanh chủ quan, lơ là khâu phòng cháy, xem như cả chợ không đảm bảo an toàn, hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả khó lường. Vì thế, phòng cháy là trách nhiệm của tất cả các hộ kinh doanh và phải mang tính cộng đồng. Đó là nhận định của lực lượng chức năng tại các buổi tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy.
Đã trở thành thông lệ, cứ bước vào mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được ngành chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hộ kinh doanh ở các điểm chợ nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, ngành chức năng còn hướng dẫn các hộ kinh doanh trang bị, bảo quản, sử dụng bình chữa cháy CO2 một cách an toàn để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống hoả hoạn xảy ra. Đặc biệt, cho các hộ kinh doanh làm cam kết không kinh doanh, mua bán các chất dễ cháy nổ khi chưa được ngành chức năng cấp phép. Thế nhưng, một số hộ kinh doanh vẫn chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Tình trạng thắp hương thờ cúng, nấu ăn tại cơ sở kinh doanh khá phổ biến và sử dụng điện không an toàn vẫn còn tồn tại.
Thêm vào đó, việc trưng bày hàng hoá lấn chiếm lối đi thường xuyên diễn ra, không chỉ gây khó khăn cho người dân đi lại mua sắm hàng hoá, mà một khi xảy ra hoả hoạn còn gây cản trở khâu vận chuyển phương tiện, thiết bị chữa cháy. Đáng lưu ý, một số hộ kinh doanh có trang bị bình chữa cháy CO2 nhưng theo hình thức đối phó, không thường xuyên kiểm tra, bảo quản và cất giữ nơi dễ thấy, dễ lấy khi cần thiết sử dụng. Vì thế, khi lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, yêu cầu hộ kinh doanh mang bình chữa cháy để kiểm tra, lúc này hộ kinh doanh mới đi tìm hoặc cất giữ những nơi khó lấy. Thậm chí có trường hợp hộ kinh doanh mang chiếc bình chữa cháy CO2 cho ngành chức năng kiểm tra, lực lượng phát hiện bình chữa cháy hư hỏng và không còn tác dụng chữa cháy. Nếu trong trường hợp này mà xảy ra hoả hoạn, việc chữa cháy tại chỗ đối với hộ kinh doanh là không thể, đám cháy sẽ lan nhanh, không chỉ làm thiệt hại tài sản của chính hộ kinh doanh do thực hiện không tốt khâu phòng cháy tại cơ sở, mà còn làm liên luỵ đến tất cả các hộ kinh doanh cả khu vực chợ.
Lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn tiểu thương bảo quản và sử dụng bình CO2. |
Đề cập vấn đề này, ông Mai Tắc Long, Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy chợ Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, cho biết: "Trước đây chính quyền địa phương vận động các hộ kinh doanh trang bị bình CO2 để phòng cháy tại chỗ, hầu hết các hộ kinh doanh thực hiện khá tốt. Nhưng do một số hộ bận mua bán, không thường xuyên kiểm tra, bảo quản bình chữa cháy CO2 nên một số bình đã hết hạn sử dụng. Về vấn đề này chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, động viên bà con tiểu thương khắc phục kịp thời đối với những bình CO2 hư hỏng, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ".
Vấn đề đặt ra, vì sao vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm khâu phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh, dẫn đến làm tăng nguy cơ xảy ra hoả hoạn trong khu vực chợ, nhất là thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay? Có ý kiến cho rằng, đã qua công tác phòng cháy, chữa cháy chỉ dừng lại khâu tuyên truyền, nhắc nhở. Chưa có trường hợp áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nên một số hộ kinh doanh trong khu vực chợ vẫn còn xem nhẹ. Để làm thay đổi nhận thức, chấp hành nghiêm khâu phòng cháy đối với hộ kinh doanh trong khu vực chợ, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắng cho biết: "Để đảm bảo an toàn phòng, cháy chữa cháy tại khu vực chợ, ngoài tuyên tuyền, vận động bà con tiểu thương chấp hành nghiêm các quy định phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng Công an xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Nếu hộ kinh doanh cố tình vi phạm, không chấp hành tốt các điều kiện phòng chống cháy nổ theo quy định, sẽ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính để tạo sức răn đe, làm chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ./.
Việt Tiến