【kết quả vòng loại cúp c2】Từ 1/3, chính thức giảm mức bảo lãnh chính phủ
Thông tin này được ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về cấp và quản lý bảo lãnh của chính phủ, do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (1/3).
Nợ công ở mức 64,73% GDP
Thông tin với báo giới, ông Hoàng Hải cho biết, năm 2016, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước, bám sát kế hoạch vay, trả nợ, các hạn mức vay nợ và bảo lãnh chính phủ năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời Bộ Tài chính đã phối với hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định việc huy động và tăng trưởng tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh của nền kinh tế.
Cũng theo ông Hoàng Hải, tính đến cuối năm 2016, ước nợ công ở mức 64,73% GDP và nợ Chính phủ ở mức 53,62% GDP, đảm bảo trong giới hạn cho phép của Quốc hội (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP).
Trong đó, cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước (59% so với mức 57% năm 2015) và giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài.
Báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy, công tác trả nợ được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn. Nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương đã được các đơn vị sử dụng vốn vay chủ động bố trí nguồn để hoàn trả trực tiếp cho các chủ nợ trong và nước ngoài.
Công tác cấp và quản lý vào bảo lãnh chính phủ năm 2016 tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ bảo lãnh chính phủ theo Chỉ thị 02/CT-TTg, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát dư nợ bảo lãnh của Chính phủ về nợ công.
"Trong năm 2016, Việt Nam không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án vốn vay trong nước và chỉ cấp bảo lãnh cho 1 dự án cấp bách (dự án truyền tải điện) vay nước ngoài với trị giá 170 triệu USD. Rút vốn ròng các khoản vay chính phủ bảo lãnh giảm mạnh (khoảng 20% hạn mức năm 2016 được duyệt)", ông Hải nói.
Đối với việc cấp bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu chính phủ, khối lượng phát hành giảm mạnh so với năm 2015, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt, góp phần ổn định dư nợ bảo lãnh chính phủ của hai định chế này.
Điều chỉnh giảm mức bảo lãnh chính phủ
Cũng tại cụộc họp báo, ông Hải khẳng định, sau 5 năm thực hiện, một số nội dung quy định tại Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chính vì vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 thay thế Nghị định số 15, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2017.
Với mục tiêu cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nợ công, khắc phục một số tồn tại trong công tác cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ giai đoạn trước, kiện toàn cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và tăng cường công cụ giám sát và quản lý rủi ro trong bảo lãnh chính phủ, đưa công tác quản lý bảo lãnh chính phủ tiến dần hơn tới các thông lệ quốc tế, Nghị định số 04 đã có các điều chỉnh về mức bảo lãnh chính phủ, cách xác định phí bảo lãnh; đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh; quy trình, thủ tục, thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ cũng như bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tài sản thế chấp và quản lý rủi ro.
Theo đó, mức bảo lãnh chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án tối đa 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đâu tư; tối đa 50% đối với các dự án khác.
"Việc điều chỉnh giảm mức bảo lãnh nhằm đạt tới mục tiêu đảm bảo mức hỗ trợ của Chính phủ trong bảo lãnh khác nhau đối với đối tượng khác nhau, không cào bằng và tạo cho tổ chức đề nghị cấp bảo lãnh có ý thức chủ động tính toán tăng vốn chủ sở hữu cần bố trí cho dự án hoặc vay vốn không có bảo lãnh Chính phủ, để chia sẻ rủi ro với Chính phủ trong quá trình huy động vốn cho chương trình, dự án", ông Hải chia sẻ.
Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thuyết trình về những điểm mới về bảo lãnh chính phủ. "Quy định theo hướng siết chặt bảo lãnh chính phủ cũng nhằm loại bớt những doanh nghiệp không đảm bảo sức khỏe về tài chính và chỉ chờ vào hỗ trợ của Chính phủ để thực hiện dự án", ông Hải nhấn mạnh. Ảnh: Đức Minh |
Quy trình mới về ngân hàng phục vụ và tài khoản dự án được bổ sung tại Nghị định 04, nhằm tăng cường công tác quản lý bảo lãnh, kiểm soát khả năng trả nợ của chủ đầu tư và giảm bớt rủi ro tài chính cho Chính phủ với tư cách là người bảo lãnh.
Theo ông Hoàng Hải, quy định mới, giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại với mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm; đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp vào yếu tố tính phí bảo lãnh...
Quy trình, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh, thế chấp tài sản và quản lý rủi ro, trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quy trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ cũng đã được quy định cụ thể để thể hiện đầy đủ và làm rõ quy trình thực tế triển khai, mà không làm tăng thêm thủ tục hành chính.
Nghị định cũng có quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp để hạn chế những vướng mắc có thể phát sinh cho các đối tượng liên quan trong giai đoạn đầu Nghị định mới có hiệu lực.
Ông Hải cho biết, việc áp dụng các quy định mới trên sẽ khắc phục một số tồn tại, bất cập hoặc chưa được quy định rõ, chưa phù hợp với thực tế triển khai trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ như: Nghị định 15 chưa có cơ chế giám sát việc rút vốn được chính phủ bảo lãnh, vai trò của cơ quan chủ quản trong quy trình thẩm định, cấp bảo lãnh của chính phủ còn mờ nhạt, chưa rõ ràng, nhất là vai trò chủ quản của các bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Còn Nghị định 04 được xây dựng nhằm tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tăng cường quản lý nợ được chính phủ bảo lãnh chặt chẽ, an toàn và chủ động hơn; tăng cường các công cụ giám sát, quản lý rủi ro đối với cấp bảo lãnh chính phủ.../.
Đức Minh