(CMO) Mùa mưa chính là thời điểm dịch bệnh nguy hiểm trên người bắt đầu gia tăng, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM). Ngành chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Bên cạnh đó, việc truyền thông nâng cao ý thức người dân trong việc tự phòng tránh dịch bệnh được đặt lên hàng đầu.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Chỉ trong tháng qua, bệnh SXH tăng 88,7% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 88,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, bệnh TCM cũng tăng khá cao (tăng 39,3% so với tháng trước và tăng 88,9% so với cùng kỳ năm trước). So với 5 tháng đầu năm cùng kỳ năm 2016: bệnh SXH tăng 22%, tuy nhiên không có tử vong. Dự báo, khi mùa mưa bắt đầu, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, chính vì vậy, công tác phòng tránh, không để dịch lớn xảy ra đang được ngành chức năng triển khai rất quyết liệt”.
Phun hoá chất diệt muỗi phòng chống lây lan dịch bệnh SXH. |
Thực tế, dịch bệnh, nhất là bệnh SXH đang diễn biến khá phức tạp, nhất là những địa phương có ổ dịch cũ như: Trần Văn Thời hơn 260 ca, Cái Nước hơn 110 ca, TP Cà Mau hơn 90 ca.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, thực hiện Thông tư số 54/2015/TT-BYT về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch truyền nhiễm, sau khi quản lý bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm thì số ca mắc tính từ đầu năm tăng thêm khá cao. Cụ thể: bệnh SXH tăng thêm 116 trường hợp, TCM tăng thêm 44 trường hợp, viêm não vi-rút tăng thêm 2 trường hợp. Nguyên nhân tăng là do phần mềm này quản lý tất cả các trường hợp bệnh tự đi lên tuyến trên, bệnh ngoại tỉnh có hộ khẩu tại Cà Mau, bệnh khám ngoại trú và bệnh khám tại các cơ sở y tế tư nhân trong toàn tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh tăng cao, ngoài việc triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch từ tỉnh đến địa phương, vấn đề truyền thông giáo dục sức khoẻ cần phải được quan tâm. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan báo, đài trong tỉnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh. Các chủ đề tuyên truyền tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH. Qua đó nâng cao ý thức tự phòng bệnh của Nhân dân”.
Một trong những hoạt động được ngành chức năng triển khai mạnh thời gian qua theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân là: “Chủ động giám sát, xử lý các ổ dịch nhỏ, diệt lăng quăng, phun hoá chất diệt muỗi, tẩm mùng, màn phòng chống muỗi đốt. Ở những nơi dịch bệnh cao như thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và các địa phương có số ca bệnh gia tăng thì tập trung quyết liệt phòng, chống và dập dịch”.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa mưa. Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh việc tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hoá chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm, phun hoá chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Ngoài việc giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm của ngành y tế, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, giữ gìn vệ sinh, khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh thì đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời./.
Đặng Duẩn