Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, trong năm 2015, toàn tỉnh có hơn 9.000 người được khám thử đàm. Qua đó, phát hiện gần 1.000 bệnh nhân lao mới, nâng tổng số bệnh nhân lao đang được quản lý điều trị gần 1.600 người.
Hiện nay, trong cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan của bệnh lao, có không ít người mắc bệnh nhưng chưa phát hiện hoặc không đến các cơ sở y tế để được điều trị. Đây là nguyên nhân về sự lây lan bệnh lao trong cộng đồng. Vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân chủ động phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời là vấn đề rất quan trọng.
Tuyên truyền phòng, chống lao tại hộ gia đình. |
Thời gian qua, công tác phòng, chống lao được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm. Hoạt động tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống lao cũng được đẩy mạnh nên hiểu biết của người dân về bệnh lao có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Võ Thanh Tân, cộng tác viên y tế Khóm 4, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Trong các cuộc họp tổ tự quản hay các cuộc họp mang tính cộng đồng, chúng tôi thường lồng ghép tuyên truyền về bệnh lao. Đồng thời, chúng tôi cũng đến từng hộ dân tuyên truyền cho mọi người biết cách phòng, chống như tuyên truyền các thông tin về bệnh lao để người dân nhận biết và tự phòng tránh. Vận động họ đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị khi có các dấu hiệu của bệnh”.
Ông Vũ Văn Tỵ, Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: “Cách đây 2 tháng, tôi thấy trong người không được khoẻ, bị sụt cân nên tôi đến trung tâm y tế khám, thử đàm, bác sĩ cho biết tôi bị lao phổi. Trong quá trình điều trị, tôi uống thuốc đều đặn, đến nay đã được 2 tháng. Khi đi tái khám, bác sĩ nói bệnh của tôi đã ổn, giờ trong người thấy khoẻ nhiều”.
Mặc dù vậy, công tác phát hiện nguồn lây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng tránh. Sự kỳ thị đối với bệnh lao còn xảy ra, dẫn đến tình trạng giấu bệnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống lao tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
Với chủ đề “Toàn dân đoàn kết thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng, chống lao, tiến tới thanh toán bệnh lao”, các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 sẽ hướng đến việc kêu gọi sự vào cuộc của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền và mọi người dân cùng chung tay khống chế, đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng. |
Y sĩ Phan Thế Nghiệp, Tổ trưởng Tổ Lao, Trung tâm Y tế TP Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, công tác tuyên truyền về phòng, chống lao còn bị động, do đó nhận thức của người dân về bệnh lao cũng còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến công tác phát hiện và điều trị bệnh kịp thời”.
Để công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho bản thân và mọi người trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì và phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phát hiện lao trong cộng đồng để kịp thời quản lý điều trị. Kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác quản lý và điều trị những bệnh nhân lao kháng thuốc nhằn hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng”./.
Bài và ảnh: Minh Khang