Nguy hại
Nhiều loại thiết bị điện tử,ếthảbxh a uc dù gián tiếp (qua chiếc remote) hay trực tiếp, đều sử dụng năng lượng từ pin. Khi loại thải những viên pin không phải ai cũng biết đến tác hại của nó đối với môi trường và sức khỏe con người.
Địa điểm gom pin phế thải thí điểm đặt tại Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế. Ảnh: TH
Theo PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế thì pin chứa các loại kim loại nặng, như chì, kẽm, niken, thủy ngân, crom. Vì vậy, dù pin phế thải được chôn lấp hay đốt đều gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Nếu chôn lấp, các chất có ở trong pin sẽ thấm vào đất, vào nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm. Con người khi sử dụng trực tiếp nguồn nước này hay sử dụng gián tiếp qua các sản phẩm nông nghiệp canh tác từ nguồn nước ô nhiễm sẽ gây hại cho cơ thể, nhẹ là các vấn đề tiêu hóa, da liễu… nặng thì bị ung thư. Còn đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc hay chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí.
“Lượng thủy ngân có trong một cục pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Khi con người phơi nhiễm các kim loại nặng qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, cơ quan sinh sản và tim mạch”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn phân tích.
Cần nhân rộng
Tại Việt Nam, sự nhận thức về việc xử lý pin phế thải còn rất hạn chế. Trên sản phẩm pin, hiếm khi thấy được dòng ghi chú về quy trình xử lý pin sau khi hết hạn sử dụng. Điều này hoàn toàn khác với các nước phát triển trên thế giới. “Ở Đức khi khách hàng mua pin, các cơ sở kinh doanh khuyến khích khách hàng chuyển pin phế thải lại cho cửa hàng để xử lý theo đúng quy trình”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn cho biết. Bên cạnh đó là sự hạn chế trong ý thức của người dân do không được tuyên truyền, sự thiếu thốn về hệ thống thu gom và phân loại rác nên pin phế thải thường được vứt bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Đây là nguồn nguy hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Địa điểm gom pin phế thải thí điểm đặt tại Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế. Ảnh: TH
Nằm trong dự án chất thải rắn Việt Nam do JICA tài trợ triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2014 - 2018, hoạt động thu gom pin phế thải được thí điểm tại Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) và khách sạn La Residence từ cuối năm 2016. Tại mỗi điểm có một thùng rác chuyên dụng để chứa pin phế thải. Điểm ở HEPCO chủ yếu cho người dân và tại khách sạn La Residence dành cho du khách và nhân viên khách sạn. Big C Việt Nam tại Huế cũng là đơn vị có phong trào thu gom pin đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Giai đoạn 1 (14/11/2016 đến 19/7/2017), tại HEPCO đã thu gom được 29,39 kg. Đến thời điểm kết thúc dự án (tháng 3/2018), bình quân mỗi tháng thu được từ 3-5kg. “Tuy khối lượng thu được không nhiều nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả vì có sự tham gia của cộng đồng. Quan trọng hơn vị trí đặt thùng rác nhận pin phế thải đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân khi có pin không còn sử dụng”. Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc HEPCO cho biết.
Ông Khánh cho rằng: “Mặt tích cực của việc thu gom pin phế thải là điều dễ nhận rõ. Cần tiếp tục nhân rộng mô hình này vì lợi ích mà nó mang lại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng”. Bên cạnh đó, một điều thuận lợi là chi phí đầu tư cho một thùng rác để thu gom pin phế thải không lớn. “Vấn đề là cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết vị trí đặt các thùng rác nhận pin phế thải. HEPCO sẵn sàng duy trì và phối hợp hoạt động vì sức khỏe của cộng đồng”, ông Khánh chia sẻ.
Thành Nhân