Doanh nghiệp cần chủ động khi kinh tế 2023 còn nhiều "sóng gió" | |
Vì sao kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng vượt mức?ậndiệnrủirochotăngtrưởngkinhtếnăkeonhâci5 |
Tăng trưởng xuất khẩu là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: N.H |
Rủi ro gì?
Đánh giá về tình hình kinh tế trong năm 2022, ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2022 kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tăng trưởng GDP quý 3/2022 vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm 2023 và 2024.
Điểm danh những thách thức mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong những năm sau, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, có 3 yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam gồm lạm phát thế giới và lạm phát của Mỹ, khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái và việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất.
Về vấn đề lạm phát chung và lạm phát lõi của Mỹ, TS. Cấn Văn Lực nhận định 2 chỉ số này cũng đã và đang giảm. Lạm phát chung của Mỹ tháng 6 là 9,1%, tháng 7 ở mức 8,5%, tháng 8 tăng 8,3% và hiện giảm xuống mức 7,7%.
Về khả năng suy thoái kinh tế, TS. Cấn Văn Lực dự báo năm tới suy thoái kinh tế sẽ xảy ra, xác suất 55 - 65%. Tuy nhiên ông nhấn mạnh kinh tế thế giới sẽ chỉ suy thoái nhẹ và ngắn hạn với mức tăng trưởng GDP khoảng 2,3 - 2,5%, kịch bản xấu nhất tăng trưởng 2%.
“Nếu như thông thường suy thoái kéo dài 10 tháng đến khoảng 2 năm, thì năm tới, dự báo kinh tế thế giới suy thoái nhưng chỉ trong khoảng 1 năm từ quý 2/2023 đến hết quý 1/2024”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.
FED hiện vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng sẽ giảm dần mức độ và tốc độ, lần tới có thể chỉ tăng ở mức 0,5 điểm % và dự báo đến hết quý 1/2023 sẽ tạm dừng lại. Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất đến hết quý 3/2023, sau đó cũng sẽ dừng lại. Các nước châu Á theo đà cũng sẽ tăng đến hết quý 3 năm sau.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh thế giới như hiện nay, năm tới kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, tăng trưởng chậm lại kèm lạm phát sẽ cao hơn. Theo kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 6 - 6,5%, lạm phát đạt 4 - 4,5%. Về cơ bản Chính phủ đã nhận diện được những rủi ro này nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới ở mức 6,5%, chấp nhận lạm phát 4,5%.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đề cập đến FDI đã và đang bị ảnh hưởng, vốn đăng ký mới giảm hơn so với các năm trước do bối cảnh thế giới nhiều bất định, rủi ro nên dòng vốn có xu hướng thu về những chỗ ít rủi ro hơn.
Một thách thức nữa là lãi suất và tỷ giá. Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất của Việt Nam tăng tương đối nhanh trong khoảng 2 tháng qua. Theo ông, lãi suất không thể và không nên tăng nhanh và tăng mạnh quá trong thời gian tới, nếu buộc phải tăng thì nên tăng từ từ nếu không doanh nghiệp sẽ không chịu được. Khi áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu giảm dần, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng năm tới lãi suất sẽ ổn định hơn, không tăng hoặc chỉ tăng ở mức nhẹ. Tỷ giá cũng được kỳ vọng có mức tăng “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với năm nay. Kiến nghị thêm về chính sách, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô nhưng phải “hết sức bình tĩnh”.
Xuất khẩu vẫn là nền tảng
Về động lực tăng trưởng, các chuyên gia khẳng định, dù khó khăn nhưng nền tảng vẫn là xuất khẩu. Trong đó, phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến… Cùng với đó, Chính phủ cần xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 347.000 tỷ đồng hay đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt cần phải tập trung xử lý hiệu quả.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đều dự báo năm 2022 ngành dệt may sẽ tăng trưởng rất tốt và trên thực tế đúng như vậy cho đến giữa năm, tuy nhiên sau đó một số DN dần thiếu đơn hàng. Tình hình sẽ khó khăn hơn trong năm 2023 vì hiện tại có những đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng đã phải hoãn vì tồn kho lớn. Chính vì vậy, để giảm thiểu áp lực cho các DN dệt may, đặc biệt là các DN xuất khẩu, các chính sách về tỉ giá và lãi suất phải có tiên liệu, dự báo được. Bởi, một đơn hàng từ lúc nhập nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã, xuất khẩu thường kéo dài khoảng 6 tháng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP khẳng định, tăng trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Tăng xuất khẩu có nghĩa là sản xuất hàng hóa "cạnh tranh" nhưng cũng có nghĩa là sản xuất hàng hóa và dịch vụ "xu hướng" đang có tỉ trọng hàng hóa trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới ngày càng tăng.
Hàng hóa "xu hướng" thường là hàng hóa được sản xuất tinh vi, cũng có thể là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến. Hàm ý chính sách là Chính phủ có thể sử dụng đầu tư công, giáo dục và thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ "xu hướng" cho xuất khẩu.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào: Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu Với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%. Để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính. Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên. Xuân Thảo (ghi) |