Ông Đoàn Duy Khương- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2016, kim ngạch thương mại 2 nước đạt khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên, về xác định mặt hàng chiến lược, ngoài những mặt hàng như gạo, đồ gia dụng thực phẩm, chưa có mặt hàng chiến lược, mang tính chất bền vững. Vì vậy, cần đa dạng hóa hơn nữa danh mục hàng hóa xuất-nhập khẩu giữa hai bên trong thời gian tới.
Đầu tư giữa hai nước còn hạn chế. Đến nay, Việt Nam có 2 dự án thăm dò dầu khí tại Cuba, còn Cuba có 1 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư khoảng 6,6 triệu USD. Hạn chế này một phần do vị trí địa lý không thuận lợi, khoảng cách địa lý quá xa khiến các DN hai nước thiếu thông tin về thị trường của nhau, cũng như khó khăn trong thanh toán, tài chính giữa hai nước.
Cũng theo ông Khương, Việt Nam và Cuba là đối tác lâu năm, có cơ cấu ngành nghề bổ sung cho nhau. Cuba và Việt Nam đều đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản để hai bên tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Ngoài cơ hội trong quan hệ song phương, giữa hai nước còn rất nhiều cơ hội trong quan hệ đa phương. Việt Nam là thành viên của ASEAN, thông qua Việt Nam, Cuba có thể tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn. Đồng thời, Cuba với chính sách kinh tế của mình đang là cửa ngõ để vào khu vực châu Mỹ La tinh. Hợp tác với Cuba tạo cơ hội cho các DN Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ La tinh rộng lớn.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio López Díaz nhận định, đoàn DN Cuba sang Việt Nam lần này là đoàn DN Cuba đông đảo nhất từ trước đến nay. Mặc dù hiện tại Cuba còn đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và tài chính, nhưng với sự hiện diện của đông đảo DN Cuba sang Việt Nam lần này cùng Phòng Thương mại Cuba đã thể hiện sự ưu tiên, sự quan tâm đặc biệt và mong muốn của giới DN Cuba đến sự tăng cường thương mại và mọi mặt với Việt Nam.
Theo Đại sứ Herminio, quan hệ kinh tế- thương mại và song phương giữa hai nước là quan hệ đặc biệt và chiến lược. Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã củng cố vị trí đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cuba tại khu vực châu Á và châu Đại Dương. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng thương mại hàng hóa với các nước.
Đại sứ Herminio cũng cho biết, hiện Việt Nam và Cuba đang trong quá trình đàm phán giai đoạn cuối tiến tới ký kết một hiệp định thương mại mới giữa hai nước. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu giảm thuế quan giữa hai nước, qua đó tăng cường trao đổi thương mại Việt Nam- Cuba.
Trình bày tổng quan về ngoại thương và đầu tư tại Cuba, bà Odalys Seijo- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba cho biết, nền kinh tế Cuba là nền kinh tế mở, phụ thuộc phần lớn vào ngoại thương. Nhập khẩu hàng hóa chiếm 83% và xuất khẩu chiếm 17% trong tổng kim ngạch trao đổi thương mại.
Theo bà Odalys Seijo, hiện tại, Cuba đã xác định được 15 lĩnh vực cần thu hút đầu tư cùng với các chính sách. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực tiêu biểu như: công nghiệp, tài chính ngân hàng, thủy lợi, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch, nông sản- thực phẩm, vận tải, năng lượng và năng lượng tái tạo… Cuba đang rất chào đón các DN FDI đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên này.
Bà Odalys Seijo cho biết, khi đầu tư vào Cuba, các DN nước ngoài nhận được ưu đãi đặc biệt về thuế. Theo đó, thuế lợi tức sẽ là 0% trong 8 năm đầu, trường hợp đặc biệt có thể được ưu đãi dài hơn, sau đó là 15%. Riêng đối với Đặc khu kinh tế Mariel, DN sẽ được miễn thuế lợi tức trong vòng 10 năm đầu và trường hợp đặc biệt có thể dài hơn, sau đó là 12% trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, các DN còn được miễn thuế đối với nhập khẩu phương tiện, thiết bị và tài sản trong quá trình đầu tư…/.
Mai Lâm