Thu ngân sách trung ương liên tục vượt dự toán
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Với tình hình này, có thể khẳng định chắc chắc kết quả tăng trưởng sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6 - 6,8%).
Trong đó, một số kết quả nổi bật được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Giải ngân vốn FDI đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.
Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Các khoản thu nội địa đạt cao hơn mức bình quân chung. Cụ thể, thu ngân sách trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%; chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá tình hình kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ. Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới. Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm, giá xuất khẩu một số mặt hàng ở mức rất thấp…
Dựa trên tình hình thực tế, Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, những mặt hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức đã nêu cần phải được tập trung xử lý, giải quyết. Với thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng, để hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Sẽ có quy định cụ thể về xuất xứ hàng hoá Made in Vietnam
Tại cuộc họp báo, các đại diện bộ, ngành cũng đã trả lời về nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc kiểm tra thông tin về tập đoàn Asanzo, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, sau khi báo chí đưa tin thì Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin về tập đoàn Asanzo. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã có công văn chỉ đạo kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh. Bộ trưởng đã giao các cơ quan chức năng của bộ kiểm tra vụ việc. Hiện Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Đình Thi cho biết.
Về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, nhận thấy còn thiếu quy định về xuất xứ hàng hóa Made in Vietnam, Bộ Công thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thế nào là hàng hóa là sản phẩm Made in Vietnam.
Hiện nay, Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức thông tư và đang lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Đối tượng chịu tác động của thông tư là rất rộng và cơ quan soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến của người dân, các đối tượng có liên quan đóng góp cho dự thảo thông tư.
Bộ Công thương mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa cho dự thảo thông tư, để bảo đảm sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ rõ ràng, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Ban hành văn bản mới phải cắt bỏ văn bản cũ Liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thì phải cắt bỏ ít nhất một văn bản cũ. "Muốn ban hành một văn bản mới thì phải chứng minh rằng đã cắt bỏ văn bản cũ. Lượng văn bản hiện quá nhiều, có khi nhiều văn bản về cùng một vấn đề, gây khó khăn cho người dân trong việc thực thi, áp dụng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. |
H.Y