Tăng giá điện có đúng quy trình hay không và liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện chỉ số lạm phát của Chính phủ trong năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và cũng là Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã khẳng định trước QH,ốchộithảoluậnvềtìnhhìkq u23 han quoc Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.
Kiểm soát lạm phát là điểm sáng trong 3 năm qua
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là ưu tiên hàng đầu của QH và Chính phủ. 3 năm qua liên tiếp kiểm soát CPI (chỉ số giá tiêu dùng) dưới 4%, được các ĐBQH ghi nhận là một “điểm sáng” trong bức tranh điều hành kinh tế vĩ mô. Năm 2019, QH đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%, nhưng nghị quyết của Chính phủ đã đặt mục tiêu tích cực hơn là dưới 4%. Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tính toán, đưa ra 5 kịch bản và đã lựa chọn kịch bản CPI năm 2019 trong khoảng 3,3% – 3,9% GDP. Đến hết tháng 5, CPI tăng 0,49% so với tháng 4 và bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm qua (2017 là 4,47%; 2018 là 3,01%).
“Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”
Ngày 30/5, ngày đầu tiên của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đã có 91 ĐBQH đăng ký phát biểu. Hầu hết các ĐBQH phát biểu đều đánh giá cao và ấn tượng đối với kết quả điều hành về kinh tế - xã hội và NSNN trong năm qua của Chính phủ, khi nhiều mục tiêu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Có đại biểu cho rằng, “kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”.
Tuy nhiên, ĐBQH vẫn còn băn khoăn cho rằng, cần có giải pháp để tăng trưởng bền vững, đấu tranh với lợi ích nhóm, chỉ số giá tiêu dùng tăng khi giá nhiều mặt hàng tăng, tình trạng gian lận trong thi cử, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp…
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 3,3% - 3,9% GDP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đưa ra 5 biện pháp chủ yếu. Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra; Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường để có giải pháp bình ổn đối với một số mặt hàng thiết yếu và khó lường như giá điện, xăng dầu, gas và một số mặt hàng có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng. Thứ ba, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện, tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá thế giới, có sử dụng công cụ bình ổn giá là quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá theo mục tiêu. Thứ tư, tăng cường dự báo và tính toán giá các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh vào các thời điểm phù hợp và với liều lượng, mức độ phù hợp theo mục tiêu chung. Thứ năm, cần phải công khai, minh bạch các chi phí đầu vào và tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm các sai phạm trong thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Qua kiểm tra sơ bộ chưa phát hiện sai phạm về giá điện
Về giá điện và giá xăng dầu, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đã có báo cáo chi tiết gửi QH. Theo Phó Thủ tướng, điện là vật tư chiến lược, an ninh điện là một trong những cân đối lớn và trọng yếu của nền kinh tế. Để tăng 1% GDP ít nhất phải tăng 1,5% điện. 3 năm qua mức tăng bình quân là 10,15% và năm 2019 trên cơ sở kịch bản GDP 6,8% thì điện ít nhất tăng 11,23%. Điều hành giá điện phải đạt 2 mục tiêu là kiểm soát lạm phát và có giá hợp lý để kêu gọi đầu tư cho ngành điện.
Về cơ sở phải điều chỉnh giá điện và thời điểm điều chỉnh, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Công thương đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá là 7,31%, 8,36% và 9,26%. Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và quyết định chọn phương án tăng 8,36%, điều chỉnh khoảng từ ngày 15 đến 30/3/2019.
“Thường là sau khi tăng mạnh trong tháng 1 và 2 thì CPI thường giảm trong tháng 3 và thực tế trong 10 lần điều chỉnh giá điện thì có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn thì tỷ lệ phải cao hơn” - Phó Thủ tướng cho biết thêm. Qua đánh giá sơ bộ, tiền điện tăng là do điều chỉnh giá điện; số ngày ghi công tơ nhiều hơn 3 ngày và nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường.
Theo Phó Thủ tướng, cách tính qua kiểm tra sơ bộ chưa phát hiện sai phạm gì. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi biểu giá điện hợp lý hơn, bảo vệ người thu nhập thấp, phù hợp với nhu cầu hộ dân có đời sống tăng cao; đồng thời, thực hiện tốt hơn cung cấp thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với điều hành của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Hiện Chính phủ cũng đang đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về giá điện trong năm 2019./.
* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân:
Không sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã bằng mọi giá
Về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đến nay các văn bản hướng dẫn đã có đầy đủ. Mục tiêu là nhằm tổ chức hợp lý lại các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Quan điểm là phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ từng giai đoạn, thực hiện chặt chẽ, thận trọng, không phải sắp xếp bằng mọi giá và gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, đặc biệt là năm 2019 tiến hành vừa rà soát các quy định, vừa sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa đạt tới 50% cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Lộ trình giai đoạn 2019 – 2021 đã đề ra, nhưng để sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng các cấp lần thứ XIII, sẽ cơ bản phải hoàn thành việc sắp xếp trong năm 2019.
Qua rà soát, đợt này chỉ sắp xếp 16 đơn vị huyện và 631 cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã ráo riết thực hiện sắp xếp cả các đơn vị ngoài quy định. Trong thời gian tới, khó khăn nhất là xắp xếp số lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư nhất là lãnh đạo cấp xã. Đã có phương án để giải quyết các trường hợp này nhưng chưa thực sự hấp dẫn, bộ sẽ tham mưu với các cơ quan thực hiện.
* ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk):
Cần xử lý nghiêm nếu trì hoãn cổ phần hóa
Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn… Số lượng DN CPH chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.
Việc CPH còn thiếu công khai, minh bạch, có hiện tượng “lợi ích nhóm”, can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật. Hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình CPH, như: Cảng Quy Nhơn, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Rượu bia, nước giải khát Sài Gòn… Với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào CPH DNNN, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình CPH DNNN.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước tại DN theo kế hoạch đề ra; thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị DN, có lộ trình thời gian cụ thể để CPH, thoái vốn; có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện CPH cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình CPH, thoái vốn tại DN.
* ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):
Không xử lý triệt để, người dân sẽ mất niềm tin trong giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay với nhiều vấn đề mà ít đem lại kết quả để đạt mục tiêu phát triển giáo dục đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến, trong khi sự cải tiến chưa mang lại kết quả rõ ràng, tiêu cực và sai phạm đã nảy sinh. Qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri đã phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không yên tâm và mất niềm tin trong giáo dục. Thử hỏi nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục thì như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng, chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi, Công an Hà Nội chỉ bắt một vụ mà thu được cả tấn phôi bằng.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, chắc rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm mang lại, khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Điều đáng nói hơn khi làm rõ sai phạm thì việc công khai danh tính những phụ huynh và học sinh liên quan đến sai phạm thì bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nhạy cảm, thiếu nhân văn. Tất cả mất mát lớn nhất của vụ việc này là đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này, mới lấy lại niềm tin của người dân. Sau sai phạm năm 2018, bộ đang rất nỗ lực cải tiến kỳ thi 2019 nghiêm túc hơn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm không xảy ra (?).
Minh Anh