BP - Vinh dự đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016,nh ntrực tiếp bóng đá trực tuyến hôm nay đến nay, tuy vẫn còn bộn bề gian khó nhưng diện mạo xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2017, mặc dù không được đầu tư mới nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã với trên 44% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang nỗ lực phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Lợi thế được phát huy
Ông Trần Đại Lợi, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, Phú Nghĩa đã hoàn thành 19 tiêu chí với tổng kinh phí 138,7 tỷ đồng. Toàn xã có 58,57km đường giao thông nông thôn được cứng hóa; gần 98,3% (2.824/2.873) hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 98% số hộ (2.815/2.873) được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 90,02% lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập bình quân năm 2016 đạt 27 triệu đồng/người... Hộ nghèo của xã chỉ còn 6,54%. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 72,03%. Tất cả hộ dân đều ký cam kết thực hiện tốt 19 tiêu chí, nhất là về bảo vệ môi trường. Hiện hầu hết số cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Nhân dân ý thức dọn dẹp đường làng, ngõ xóm; chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ và khơi thông cống rãnh để không lầy lội vào mùa mưa.
Bộ đội và đoàn viên thanh niên làm đường bê tông ở Khu định canh, định cư Tiểu khu 119
“Năm 2017, tuy không được đầu tư xây dựng mới nhưng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 326 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng; vận động các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng 6 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, đồng bào DTTS khó khăn. Cả hệ thống chính trị xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trọng tâm là nâng cấp, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn và giảm số hộ nghèo” - Phó chủ tịch UBND xã Trần Đại Lợi nói.
Thôn Hai Căn có 330 hộ với 1.183 người, trong đó 65% là đồng bào DTTS. Trước đây, đời sống ngưuời dân rất khó khăn do trình độ dân trí thấp, địa bàn rộng, giao thông khó khăn. Trưởng thôn Hoàng Thanh Thao cho biết: Thấy được lợi ích từ chương trình NTM, bà con đã đóng góp 730 triệu đồng cùng Nhà nước làm gần 15km đường nhựa, bê tông hóa và phún cứng; ủng hộ gần 100 triệu đồng đổ bê tông sân và đường dẫn vào nhà văn hóa; trồng cây xanh tạo cảnh quan và giữ gìn các tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Năm nay, thôn có 90 lao động được đào tạo nghề và giới thiệu vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn; nhiều hộ khó khăn được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế...
Ông Huỳnh Ngọc Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hội hiện có 1.336 hội viên, trong đó tỷ lệ hộ khá, giàu khoảng 20% và không có hội viên nghèo. Điểm nổi bật ở hội chính là việc duy trì tốt các mô hình sản xuất hiệu quả để phổ biến và nhân rộng. Điển hình là tổ hợp tác chăn nuôi dê với 10 thành viên, trong đó tổ trưởng có vai trò quyết định trong định hướng chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ 100 con dê ban đầu, đến nay tổ đã có đàn dê 350 con và mỗi thành viên thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/năm từ bán dê thương phẩm. Hay chi hội điều sạch có 43 thành viên với diện tích gần 300 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học. Vụ điều vừa qua, nông dân trong tỉnh bị thiệt hại nặng do thời tiết diễn biến bất thường và sâu bệnh, nhưng năng suất bình quân của chi hội vẫn đạt trên 1 tấn/ha.
Đóng chân trên địa bàn nên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) luôn quan tâm hỗ trợ xã về mọi mặt. Đoàn trưởng, Đại tá Đặng Công Bầu cho biết: Những năm qua, đoàn đã đóng góp và vận động ủng hộ làm 60 căn nhà tình thương tặng gia đình chính sách, hộ khó khăn, đồng bào DTTS tại Tiểu khu 119 và cùng chính quyền xã làm đường, kéo điện đến từng hộ. Đơn vị còn tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động DTTS, đồng thời nhận vào làm việc và giới thiệu lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Cán bộ đơn vị còn thường xuyên có mặt tại tiểu khu tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn an ninh trật tự... Từ đó, làm thay đổi nhận thức, giúp đồng bào ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Chị Thị Dép ở khu định canh, định cư Tiểu khu 119 cho biết: Là hộ khó khăn, gia đình tôi được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tặng nhà tình thương và nhận vào làm công nhân. Có nhà ở ổn định, đời sống bảo đảm, gia đình tôi ký cam kết chung tay cùng xã thực hiện tốt các tiêu chí NTM. Mọi người ở đây đều đã thay đổi tư duy, không cầm cố, sang nhượng đất; tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường; bài trừ hủ tục...
Và những “cái khó” cần tháo gỡ
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa khẳng định: Chương trình xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn nâng cao đời sống người dân về mọi mặt, nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí cũng rất khó khăn. Đó là: Xã có diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng không đồng bộ; đồng bào DTTS bản địa chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp; mật độ dân cư phân bố không đồng đều; sản xuất còn manh mún; tâm lý người dân e ngại khi tham gia kinh tế tập thể gây khó khăn trong vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã...
“Trước đây, xã ưu tiên hoàn thiện các tuyến đường chính để đạt tiêu chí giao thông, hiện 30% còn lại phần lớn là các tuyến đường dân sinh ở vùng sâu, xa, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Hay một số nhà văn hóa đã xuống cấp, diện tích hẹp, không có hội trường, không đủ chuẩn về diện tích... Muốn hoàn thiện đòi hỏi phải có số vốn lớn nhưng vốn đầu tư mới không có, còn vận động trong dân rất hạn chế. Đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, khu vực sinh đông con tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS, trong khi lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động là đội ngũ cộng tác viên dân số, nhưng chế độ phụ cấp quá thấp, dẫn đến họ không gắn bó với nghề nên tỷ lệ sinh con thứ ba đang có chiều hướng tăng” - Bí thư Hoàng Văn Hải nói.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa cho rằng, để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay thực hiện, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời tích cực vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài xã hỗ trợ, giúp đỡ; tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã đến các thôn về công tác này.
Lâm Phương