(CMO) Nhận chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời 56 mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện U Minh và Thới Bình không chỉ là thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các mẹ mà còn là hình thức để trường Đại học Bình Dương giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương Cao Việt Hưng cho biết: “Bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, với trách nhiệm của những người làm giáo dục, chúng tôi cho rằng, công tác đền ơn đáp nghĩa không phải là công việc của riêng tổ chức, cá nhân nào và cũng không phải chờ đến ngày lễ mới tham gia hưởng ứng mà luôn coi đó là công việc hết sức bình thường và đời thường, phải làm bất kể thời gian nào”.
Sinh viên tình nguyện hè trao tặng bồn chứa nước sạch cho mẹ VNAH. |
Chính vì thế, từ năm 2015, nhà trường đã mạnh dạn nhận phụng dưỡng 56 mẹ Việt Nam anh hùng (huyện U Minh 17 mẹ; huyện Thới Bình 39 mẹ, nay còn sống 33 mẹ). Mức hỗ trợ mỗi mẹ 300.000 đồng/tháng. Nguồn hỗ trợ này được trích từ quỹ phúc lợi 1 tỷ đồng. Đây là quỹ dành riêng cho các hoạt động xã hội của trường trong nhiều năm qua.
Đã trở thành truyền thống trong hoạt động của nhà trường, hằng năm, Đảng uỷ, Ban giám hiệu đều chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên có kế hoạch cụ thể về công tác đền ơn đáp nghĩa.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì công việc chăm sóc và phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng tại 2 huyện của Cà Mau và sẽ tiếp tục nhận phụng dưỡng thêm tại những nơi còn khó khăn để chia sẻ trách nhiệm xã hội với hoạt động ý nghĩa này”, ông Cao Việt Hưng cho biết thêm.
Theo đó, trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau có những kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác phụng dưỡng và chăm sóc suốt đời các mẹ Việt Nam anh hùng. Giao nhiệm vụ cho từng chi đoàn của cán bộ, của sinh viên tham gia hoạt động này. Nhà trường cho rằng, công tác chăm sóc, phụng dưỡng không chỉ thể hiện thông qua việc chăm lo vật chất mà quan trọng hơn là chăm lo về mặt tinh thần. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa của trường là một nét đẹp văn hoá của nhà trường.
Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm đến các hoạt động xã hội khác như: tổ chức cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các chuyến về nguồn, tới thăm các địa chỉ đỏ; tham gia các chương trình tình nguyện, cứu trợ thiên tai; thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ,... Riêng ở Cà Mau, nhà trường đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng Cầu Thầy bắc ngang sông Chắc Băng tại huyện Thới Bình. Hằng năm, cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Bình Dương tại Phân hiệu Cà Mau đều tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu./.
Ông Nguyễn Hoàng Bé, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Thới Bình, ghi nhận, những nghĩa tình của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bình Dương dành cho các Mẹ Việt Nam anh hùng đã kịp thời động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các mẹ Việt Nam anh hùng có cuộc sống an vui, khoẻ mạnh. |
Băng Thanh