(CMO) Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: “Sẽ nỗ lực tạo ra cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất để thu hút mời gọi các nhà đầu tư. Các lĩnh vực phát triển thế mạnh của địa phương còn nhiều tiềm năng, chỉ khi nào đầu tư đúng mức, phù hợp mới có thể mang lại giá trị lợi ích lớn và bền vững”. Với việc thông cầu Năm Căn, đường Hồ Chí Minh nối liền tới Đất Mũi, hệ thống giao thông huyết mạch được hình thành, hàng loạt dự án lớn đã, đang và sắp triển khai, Ngọc Hiển chính là nơi mà các nhà đầu tư cần tìm hiểu, lưu tâm và mạnh dạn gắn bó.
Bài 3:Vùng đất của tương lai
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải từng đánh giá: “Ngọc Hiển sẽ là nơi có bước phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh, và trên phương diện nào đó, tương lai của Ngọc Hiển cũng gắn với diện mạo của Cà Mau”. Trong bộn bề thách thức hiện tại, người ta vẫn thấy một Ngọc Hiển giàu khát vọng, đầy nội lực. Điều gì khiến Ngọc Hiển sẽ trở thành miền đất hứa với các nhà đầu tư? Và tương lai nào cho vùng mũi đất cực Nam? Câu trả lời rất có thể chỉ gói trọn trong cụm từ “thời cơ” - điều mà những nhà đầu tư lớn đã hiện thực hoá trên vùng đất này.
Những dự án trọng điểm
Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND Ngọc Hiển, khắc khoải một nỗi niềm: “Không phải là không có nhà đầu tư về, mà về đây tìm hiểu rồi, người ta thấy còn nhiều khó khăn quá nên… đi luôn”.
Thế khó của Ngọc Hiển là không có đường giao thông nối liền; việc đầu tư tốn kém do nền địa chất yếu; cách quá xa với những đầu mối kinh tế lớn… Nhưng trong bối cảnh hàng loạt cái khó như thế, một tập đoàn lớn như Việt Úc sẵn sàng “bơm tiền” để xây dựng khu sản xuất tôm giống và bây giờ là khu nuôi tôm siêu thâm canh (121 ha, thuộc xã Tam Giang Tây); Công ty Công Lý kiên trì theo đuổi phát triển du lịch và bây giờ là dự án điện gió.
Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: “Giao thông và hạ tầng đã được xở gỡ chính là điều kiện tiên quyết để Ngọc Hiển thu hút đầu tư”. Thêm vào đó, 58 km đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua địa bàn huyện cũng gợi mở nhiều vấn đề. Ông Giang cho biết: “Huyện đã đề xuất và kiến nghị tỉnh bố trí những tuyến dân cư ven đường Hồ Chí Minh và hy vọng những phương án khả thi, phù hợp để Nhân dân có điều kiện làm ăn, buôn bán, làm du lịch. Cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Rạch Gốc nếu đầu tư và phát triển đúng tầm, nơi đây sẽ là phố biển sầm uất”.
Rạch Gốc hiện có gần 200 tàu công suất từ 90 CV trở lên, phương tiện nhỏ thì không thể tính hết. Sản lượng đánh bắt hằng năm của cửa biển này tương đối lớn, ngư trường lại gần, nên thu hút khá đông tàu bè từ các tỉnh bạn. Ông Huỳnh Thanh Đảm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Do cửa Rạch Gốc cạn, tàu ra vô khó, thêm nữa hạ tầng giao thông yếu và thiếu nên người ta ngại đầu tư”. Cảng cá quy hoạch khoảng 3.000 m2, hình thành từ năm 2013, đến giờ chỉ cho một số hộ thuê lại để gia công các mặt hàng thuỷ hải sản.
Nguyện vọng của Ngọc Hiển, qua lời ông Giang: “Nhanh chóng nạo vét, thông luồng cửa Rạch Gốc, kèm theo đó là đầu tư hạ tầng giao thông, để cảng cá thực sự phát triển tương xứng như kỳ vọng, tránh thất thoát, lãng phí”.
Cảng biển Rạch Gốc - nơi được hứa hẹn sẽ bứt phá kinh tế của Ngọc Hiển nếu được đầu tư đúng tầm. |
Anh Nguyễn Văn Bé Ba, từ Kiên Giang lặn lội về Rạch Gốc với mong muốn mở được một cơ sở chuyên về lĩnh vực hậu cần nghề cá. Anh dự tính: “Bây giờ mà nạo vét cho ngon, khai thông luồng lạch, tàu ở chỗ khác đổ về nhiều, tôi sẽ gom hết vốn để đầu tư ở đây”. Khu cảng cá hiện tại cũng chỉ có vài hộ dân của địa phương thuê, tổ chức gia công một số mặt hàng thuỷ hải sản. Chủ trương của Cà Mau, như lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi: “Khi có vốn sẽ bố trí nạo vét, thông luồng cửa Rạch Gốc ngay lập tức”. Rồi khi các tuyến giao thông đường bộ được đấu nối thông thoáng, khu vực cảng cá chính là nơi phát triển năng động của huyện.
Ngọc Hiển còn có Khu Du lịch Đất Mũi gắn kết với tuyến du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu, thành niềm tự hào của người Cà Mau. Bên cạnh đó, Khu Du lịch Khai Long, giờ được chỉnh trang và cộng hưởng với các dự án điện gió, dự định xây dựng cầu nối Hòn Khoai, và xa hơn là dự án cụm cảng nước sâu Hòn Khoai đã tạo thành thế liên hoàn, định hình một vùng đất tươi mới, rực rỡ ở phía cực Nam. Cụm đảo Hòn Khoai có vị trí hàng hải vô cùng thuận lợi để trở thành cảng biển quốc tế.
Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư
Xuất phát điểm thấp, thế nên Ngọc Hiển vô cùng trân quý những đồng vốn đầu tư. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Tập đoàn Việt Úc (người con của Cà Mau), từng xúc động: “Đầu tư ở nhiều nơi, nhưng với quê hương vẫn có điều gì đó thật đặc biệt. Các anh ở Ngọc Hiển đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi chọn Ngọc Hiển vì đây là nơi phù hợp nhất để phát triển”.
Cảng cá Rạch Gốc đang cần tăng tốc kêu gọi, thu hút đầu tư. |
Đến nay, Việt Úc đã hình thành khu liên hợp kỹ thuật sản xuất tôm giống và đang triển khai gấp rút khu nuôi tôm siêu thâm canh. Khát vọng cao hơn của tập đoàn là sẽ hình thành nơi sản xuất tôm bố mẹ ở cụm đảo Hòn Khoai.
Ông Giang cho biết: “Huyện tập trung kêu gọi và thu hút đầu tư ở các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, thương mại và dịch vụ du lịch. Sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để nhà đầu tư yên tâm phát triển kinh doanh”.
Ngọc Hiển sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để cải thiện tích cực hạ tầng giao thông, xây dựng và định hình các tuyến dân cư, các trung tâm đô thị động lực. Ông Giang cũng cho rằng: “Với nhiều tiềm năng, trong giai đoạn chuyển giao phát triển, đây là thời cơ tốt và vô cùng thích hợp để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và mạnh dạn tin tưởng, gắn bó cùng địa phương”.
Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ngọc Hiển Lê Chí Thắng gợi mở: “Với du lịch Ngọc Hiển, nếu muốn nâng tầm cần phải có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, cần nguồn lực vốn dồi dào, nhất là phải có định hướng phát triển lâu dài”.
Với những lợi thế riêng có, đây là nơi được xác định “màu mỡ” cho các tổ chức, cá nhân, nhất là khi UBND tỉnh đang đề xuất lên Trung ương một phương án riêng trong việc sử dụng đất ở Khu Du lịch Đất Mũi. Hệ thống lưu trú, dịch vụ du lịch kèm theo của Ngọc Hiển gần như chưa có gì đáng kể, đây lại là một cơ hội cho các nhà đầu tư nhạy bén.
Bao đời qua, người dân Ngọc Hiển hướng ra biển để mưu sinh và cũng để hiểu thêm những tiềm năng to lớn của quê hương mình. Ngọc Hiển hôm nay cũng hướng về biển với những hoài bão, dự án lớn lao. Đã có những nhà đầu tư lớn lựa chọn và tin tưởng mảnh đất này sẽ là nơi “đất lành, trái ngọt”. Mũi đất phù sa, một tương lai gần sẽ “hoá rồng”. Mũi đất ấy đang chờ những con người tiên phong đi khai phá…
Phạm Nguyên