【giai phan lan】Hải quan ASEAN đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tham vấn hải quan ASEAN – WCO lần thứ 10 | |
Hải quan ASEAN hoàn thành nhiều mục tiêu hội nhập | |
Khai mạc Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 30 | |
Hệ thống ACTS giúp Hải quan ASEAN tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa nội khối |
Đại diện của 10 thành viên Hải quan ASEAN tham dự phiên họp đã có những báo cáo về kết quả hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhân lực. Trong đó, thực hiện Chương trình Hành động hợp tác, phát triển của Hải quan ASEAN giai đoạn 2015- 2020 (SPCD 2015- 2020), các thành viên đã bổ sung vào bảng tổng hợp kết quả thực hiện cải cách, hiện đại hoá hải quan của nước mình với những kinh nghiệm thực hiện hiện đại hoá nguồn nhân lực, thực hiện liêm chính hải quan, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho khu vực và quốc tế (với sự công nhận của Tổ chức Hải quan Thế giới). Đồng thời để tiếp tục thực hiện chương trình SPCD 2021- 2025, Hải quan ASEAN cũng bổ sung các thông tin mới cập nhật của các thành viên vào hướng dẫn thực hiện cải cách, hiện đại hoá hải quan giai đoạn 5 năm tới. Các chỉ tiêu trong các SPCD cũng được cụ thể hoá với các tiêu chí giúp đánh giá kết quả sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Trong SPCD, các nội dung liên quan đến quản lý và tăng cường năng lực hải quan được quy định trong các SPCD 11 (cải cách- hiện đại hoá), SPCD 12 (quản trị và phát triển nhân lực), SPCD 13 (thu hẹp khoảng cách), SPCD 14 (tăng cường chia sẻ tri thức).
Trong thời gian qua, Hải quan khu vực ASEAN đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ về phát triển nhân lực như việc WCO chính thức công nhận Trung tâm Đào tạo và Trung tâm giám định của Hải quan Indonesia là cơ sở khu vực về các lĩnh vực chuyên môn tại khu vực Đông Nam Á. Như vậy, cùng với Học viện Hải quan Hoàng gia Malaysia AKMAL, Indonesia đã chính thức có Trung tâm Đào tạo hải quan của WCO (RTC) ở khu vực và quốc tế.
Một hoạt động quan trọng tại phiên họp lần này là các cuộc tham vấn với cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia (ABF) và Hải quan Nhật Bản. Đây là 2 đối tác quan trọng cho phát triển nhân lực hải quan của ASEAN với nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. ABF đã giúp tổ chức chương trình đào tạo nhân viên Hải quan cấp trung (JCMMP) với 4 khoá học. Trong tháng 12 tới đây, dự kiến chương trình JCMMP thứ năm sẽ được tổ chức với sự giúp đỡ của Trung tâm An ninh xuyên biên giới của Đại học RMIT (Australia) có trụ sở tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là hoạt động quan trọng mà mỗi thành viên Hải quan ASEAN có thể cử 5 hoặc 6 đại diện tham dự. Chương trình JCMMP có nhiều nội dung thiết thực về quản lý điều hành hoạt động và kỹ năng làm việc trong môi trường thương mại với những yêu cầu mới. Về phía Nhật Bản, Hải quan nước này cũng giúp Hải quan ASEAN xây dựng một chương trình đào tạo về phát triển nguồn nhân lực. Dự kiến, năm 2022, chương trình này sẽ được tổ chức với sự tài trợ của Hải quan Nhật Bản cho các Hải quan ASEAN sau gần 2 năm trì hoãn do COVID-19.
Bên cạnh đó, các thành viên tham gia phiên họp cũng thảo luận về định hướng của hoạt động phát triển nhân lực hải quan khu vực trong giai đoạn 2021- 2025 với các hoạt động trọng tâm như xây dựng khung Liêm chính hải quan ASEAN và Hướng dẫn về các thông lệ tốt nhất để quản trị tri thức (KM).
Tham dự phiên họp, đoàn Hải quan Việt Nam (gồm các thành viên từ Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Hải quan Việt Nam, Ban CCHĐHHQ, Vụ HTQT) đã tích cực tham gia thảo luận và chia kinh nghiệm đổi mới về hiện đại hoá, quản lý nhân lực của Hải quan Việt Nam và chương trình đào tạo về kiểm tra container để đưa lên website của Hải quan ASEAN (KBS) do Hải quan Thái Lan làm đầu mối. Dự kiến, phiên họp lần thứ 30 của CCBWG sẽ được tổ chức tại Campuchia nếu tình hình dịch bênh được khống chế hoặc sẽ tiếp tục được tổ chức bằng hình thức trực tuyến như hiện nay.