Tôi sớm nặng lòng với Huế từ thuở chưa từng đặt chân đến với “xứ mộng xứ mơ”(1) là từ khi quen biết một cô gái có cái tên của “con sông dùng dằng con sông không chảy”(2). Học cùng trường đại học ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970 nhưng khác khoa,ờigianđẹpđẽbxh nhat anh Hương có đôi mắt biết cười, giọng Huế với những chi mô răng rứa nhẹ như tơ, mềm như lụa khiến không chỉ tôi mà cả đám bạn của tôi đều ngơ ngơ ngẩn ngẩn những khi nghe Hương kể chuyện quê nhà của cô bên dòng An Cựu hiền hòa. Ngày ấy, ngoài những sông Hương, núi Ngự quen thuộc; những địa danh như Kim Long, An Cựu, Dã Viên, Bao Vinh… mà Hương thường nhắc đến thật xa lạ với tôi. Và tôi thầm mong, được một lần cùng Hương đến Huế.
Sông Hương. Ẩnh: N.V.Đ
Mùa hè ba năm trước, tôi tổ chức một cuộc triển lãm cho họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tại Đà Nẵng. Ngày kết thúc phòng tranh, tôi đưa anh ra Huế thăm quê vợ, cũng là lần đầu tiên anh biết đến Huế, dù Khôi đã sống nhiều năm ở miền Nam trước ngày sang Mỹ định cư cách đây gần ba mươi năm. Quê của Mai không ngờ cũng bên dòng An Cựu hiền hòa. Buổi sáng hôm ấy, khi cùng Nguyễn Trọng Khôi thả bộ dọc dòng sông để anh ghi hình và sẽ kể lại cho vợ chuyến đi, đột nhiên những kỷ niệm thời trai trẻ sống lại trong tôi, tươi mới như ngày nào mới quen cô sinh viên có tên một dòng sông.
Ký ức đậm nét với Huế của tôi còn gắn liền với những chuyến đi cùng bè bạn những năm tháng về sau, có những hạnh ngộ bất ngờ cùng những chia tay vĩnh viễn, những hồi ức không nhạt phai theo tháng năm.
Nhớ những sớm mai Huế sau ngày Nguyên tiêu cách đây gần mười năm, những ngày đất trời ẩm ướt, tôi cùng kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn đội mưa đi tìm cháo hẻo rằn ăn với cá bống thệ kho khô. Vào những ngày gió mưa lướt thướt ấy, nhà kiến trúc cao niên từng sống ở Huế thời thanh niên và từng giữ trọng trách về quy hoạch ở Huế nhiều năm sau ngày hòa bình chợt thèm một món ăn mà nay thật khó tìm “nguyên mẫu”, cho dù chúng tôi đã đến nhiều hàng quán và vào cả chợ Đông Ba.
Cũng vào những ngày rét mướt ấy, chúng tôi đến thăm nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và kho tàng cổ vật sông Hương của ông. Lần đầu gặp nhau, nhưng ông Huấn và ông Phan như đã thân quen tự bao giờ. Ông Phan cẩn trọng nhấc từng chiếc đĩa, hũ… cả những mảnh vỡ của các cổ vật được vớt lên từ lòng sông giới thiệu cho người bạn đồng hương mới gặp. Từng hẹn với ông Huấn sẽ có dịp cùng ông ra Huế và sẽ lại đến thăm bộ sưu tập có một không hai của ông Phan, không ngờ đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp “nhà Huế học siêu hạng”(3).
Lại nhớ một sớm mai cách đây ba năm, trước ngày nhà thơ Nguyễn Duy và tôi rời Huế sau khi dự đêm nhạc Trịnh Công Sơn, họa sĩ Võ Xuân Huy đến tìm chúng tôi ở khách sạn với hai gói giấy báo, bên trong là hai chiếc đĩa cổ mà Huy bảo rằng, là cổ vật được tìm từ đáy sông Hương. Võ Xuân Huy luôn ấm áp như vậy kể từ ngày chúng tôi quen biết và trở nên thân thiết. Vào TP Hồ Chí Minh bao giờ Huy cũng gọi điện cho tôi ngay để anh em gặp gỡ, và ngược lại không lần nào ra Huế tôi không ngồi cùng Huy, thường là một góc quen thuộc bên sông Hương. Tình thân giữa chúng tôi nảy sinh từ sự đồng cảm về nhiều mặt, khởi đầu là một cuộc triển lãm các tác phẩm sơn mài với phong cách riêng biệt của Huy. Ngày đó, tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận được lời mời ra Huế dự khai mạc triển lãm của Huy trong khi chưa biết gì nhiều về anh. Nhưng cũng từ triển lãm ấy, tôi sớm nhận ra một họa sĩ có tài, luôn bận tâm, ngẫm ngợi về nghề. Có lúc gặp nhau, Huy nói say sưa, không dứt về những dự định, hoài bão của mình cho nghệ thuật.
Khi được anh Đặng Mậu Tựu báo tin chẳng lành, tôi vẫn không hình dung được số phận lại có thể nghiệt ngã đến thế. Bởi chỉ vài ngày trước đó tôi vẫn còn trò chuyện, trao đổi với Huy, nhờ Huy giúp “đặt hàng” một số họa sĩ trẻ của Huế cho cuộc triển lãm tranh mà chủ đề là cuộc đời và sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cùng với đêm nhạc “Nối vòng tay lớn”, triển lãm tranh “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” là một sinh hoạt nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Huế 2016 với sự góp mặt của các họa sĩ thuộc nhiều thế hệ ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đặc biệt là ở Huế, quê nhà của Trịnh Công Sơn. Bên cạnh một số tác phẩm mượn từ một triển lãm trước đó - cũng với chủ đề về Trịnh Công Sơn - được tổ chức tại tòa soạn tạp chí Sông Hương, còn có nhiều bức tranh của các bạn trẻ, những người đã được Võ Xuân Huy giới thiệu cùng tôi. Nhiều bức cho thấy tác giả rất chắc tay về thủ pháp nghệ thuật cũng như giàu cảm xúc từ âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Không còn được Huy trực tiếp góp sức nhưng các bạn hữu như Đặng Mậu Tựu, Phan Thanh Bình, Đặng Mậu Triết, Lê Văn Nhường… đã hết lòng giúp tôi làm nên một phòng tranh với chất lượng tuyệt hảo trong một thời gian ngắn. Dù đã tổ chức nhiều sinh hoạt nghệ thuật, làm nhiều phòng tranh, song đối với tôi triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” sẽ được lưu giữ dài lâu trong ký ức.
Nhớ đến Huế là nhớ đến những thời gian đẹp đẽ như vậy cùng với những tình cảm ấm áp mà tôi có được với nhiều người thân quen ở Huế. Cũng một sớm mai, khi triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” đã bế mạc, tôi mới nhận được điện thoại của nhà văn Nguyễn Khắc Phê hỏi thăm. Hóa ra, những ngày bận rộn chuẩn bị cho phòng tranh tôi đã thất lễ, không nhớ gửi thư mời đến ông. Nhưng thật cảm động khi nhà văn lão thành vẫn đến tìm tôi, tặng một tập sách mới in của ông. Những kỷ niệm như thế làm sao tôi quên được!
(1) “Ai về xứ mộng, xứ mơ/ Cho tôi gởi ít vần thơ tặng nàng” (thơ Tạ Ký)
(2) “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (thơ Thu Bồn)
(3) Cách gọi của nhà báo Lê Đức Dục
NGUYỄN TRỌNG CHỨC