“Tâm và tầm” của giáo viên
Huyện Phú Riềng có 10 trường THCS,kèo ngoại hạng tiểu học và THCS, trong đó THCS Nguyễn Du, xã Phú Riềng luôn có số lượng học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh dẫn đầu huyện, năm sau cao hơn năm trước. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán cho Trường THCS Nguyễn Du, cô Triệu Thị Sáu cho biết: Để có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cũng như đậu Trường THPT chuyên Quang Trung giáo viên phải có “tâm và tầm”. Tâm tức là luôn nhiệt huyết, say sưa với nghề mình đã chọn. Tầm là luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, đồng thời không ngừng cập nhật kiến thức trong quá trình ôn tập, bồi dưỡng. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được Ban giám hiệu trường quan tâm, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Qua đó, góp phần cổ vũ và tạo tinh thần, động lực cho giáo viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với môn Toán, khi phát hiện, chọn lựa đội tuyển phải là những em thực sự yêu thích, đam mê môn học và tham gia đội tuyển trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt, muốn đạt giải cao không thể ngày một ngày hai mà là cả quá trình dài kiên trì theo đuổi bồi dưỡng. Đơn cử như em Hoàng Minh Ngọc, đạt giải nhất cấp tỉnh môn Toán năm học 2015-2016, đồng thời trúng tuyển vào Trường phổ thông Năng khiếu TP. Hồ Chí Minh; em Đoàn Nguyễn Trần Hoàn, đoạt giải nhất môn Toán cấp tỉnh năm học 2017-2018, đồng thời là thủ khoa chuyên Toán, Trường THPT chuyên Quang Trung đều được phát hiện, bồi dưỡng ngay từ lớp 5 chứ không phải lên lớp 9. Về phương pháp, cô Sáu cho biết thêm, lượng kiến thức lớp 9 rất nặng, vì thế, khi lên lớp cần tạo tâm lý thoải mái, vừa dạy vừa dỗ và hài hước một chút. Tâm huyết, trách nhiệm với nghề nên môn Toán do cô Sáu phụ trách luôn gặt hái nhiều thành tích, hằng năm có khoảng 10 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, khoảng từ 3-7 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và thi đậu Trường THPT chuyên Quang Trung.
Học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Du trong giờ học
Thầy Cao Việt Thắng, Hiệu trưởng trường cho biết: Trường có 77 giáo viên đứng lớp, trong đó phần lớn tuổi nghề, tuổi đời cao nên nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngoài đề cao vai trò học thực chất, thi thực chất, từ năm học 2018-2019, trường còn có sự đổi mới trong bồi dưỡng học sinh giỏi là dạy theo chuyên đề, mỗi chuyên đề do 1 giáo viên phụ trách để chuyên sâu hơn, có môn tới 6 giáo viên bồi dưỡng. Ngay từ năm lớp 6, trường đã thành lập đội tuyển Toán, Văn, tiếng Anh theo sở thích của các em nhưng có sàng lọc dần để tạo động lực phấn đấu. Lên lớp 9, thành lập thêm các đội tuyển khác và bồi dưỡng ngay từ đầu kỳ nghỉ hè hằng năm. Nhằm tạo động lực phấn đấu và thi đua giữa giáo viên với giáo viên, các môn với nhau và giữa học sinh với học sinh, ngoài quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, khen thưởng theo quy định, trường còn “treo” giải cặp thầy - trò xuất sắc, kinh phí từ các nguồn vận động. Với nhiều cách làm hiệu quả, chỉ năm học 2017-2018 là đứng sau Trường THCS Bù Nho về số lượng giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, còn từ năm học 2004-2005 đến nay THCS Nguyễn Du luôn dẫn đầu huyện về số lượng học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Riêng năm học 2018-2019, trường có 43 học sinh giỏi cấp huyện, 19 học sinh giỏi cấp tỉnh.
2 năm liền dẫn đầu tỉnh
Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2016-2017, huyện Phú Riềng đứng thứ ba toàn tỉnh với 57 giải nhưng đứng đầu về giải nhất, với 6/24 giải nhất. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2017-2018 và 2018-2019, huyện Phú Riềng liên tiếp vươn lên dẫn đầu tỉnh. Cụ thể, năm học 2017-2018 đoạt 78 giải, nhiều hơn đơn vị nhì tỉnh là Đồng Xoài 7 giải, trong đó có 8 giải nhất, 24 giải nhì, 19 giải ba, 27 giải khuyến khích; năm học 2018-2019 đoạt 75 giải, nhiều hơn đơn vị nhì tỉnh là Lộc Ninh 2 giải, trong đó 4 giải nhất, 20 giải nhì, 20 giải ba và 31 giải khuyến khích.
Chia sẻ về những kết quả của ngành, cô Doãn Thị Mai Xuân, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Riềng cho biết: Là huyện mới tách, bộ máy quản lý chưa đi vào nền nếp nên mọi hoạt động lãnh đạo, điều hành gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chất lượng giáo dục, nhận thức người dân, ý thức học tập của học sinh không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, gây khó khăn cho công tác tổ chức các hoạt động thi đua. Dù vậy, bù lại địa bàn huyện có truyền thống hiếu học, nhất là những xã trung tâm như Phú Riềng, Bù Nho phụ huynh rất quan tâm đầu tư cho con em; đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, chất lượng, cán bộ quản lý tâm huyết, có nhiều cách làm hay nhằm khuyến khích, động viên thầy, cô giáo, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.
Về giải pháp, cô Xuân cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng đội tuyển học sinh thật sự chất lượng, tức phải đề cao vai trò học thật và thi thật, không chạy đua thành tích. Để làm được điều này, ngoài tổ chức chuyên đề nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cho giáo viên các trường, phòng còn xây dựng ngân hàng đề thi chung toàn huyện. Mỗi trường cử từ 1-3 giáo viên có năng lực, khả năng thẩm định được đề khó ra đề, sau đó lựa chọn biên soạn lại sao cho phù hợp, vừa sức, cân đối giữa các đối tượng. Sau khi có ngân hàng đề được đánh số, mỗi đề chỉ được lấy tỷ lệ % theo chỉ đạo của phòng nhằm tạo sự công bằng và đảm bảo tính bảo mật của đề thi. Việc làm này khiến các giáo viên bồi dưỡng khó dự đoán trước được dạng đề sẽ ra, đồng thời tránh học sinh học tủ, học vẹt. Và với cách làm này, những học sinh đoạt giải vòng huyện thì phần lớn đoạt giải vòng tỉnh, thậm chí đoạt giải cao hơn.
Vũ Thuyên