Khắc phục những rào cản,ămhọsoi kèo antalyaspor khó khăn, ngành BHXH đã đề ra rất nhiều giải pháp để phấn đấu đến hết năm học 2019 - 2020 đạt 100% HSSV tham gia BHYT...
Còn gần 6% HSSV chưa tham gia BHYT
Thông tin về kết quả tham gia BHYT HSSV, ông Phạm Lương Sơn cho biết, nếu như năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5% thì đến nay, theo thống kê mới nhất, đã có trên 17 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 95,3%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng gần 6% HSSV chưa tham gia BHYT. Điều này do việc triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Luật BHYT quy định BHYT HSSV là bắt buộc, nhưng vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng, họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tuy không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nhưng khó khăn trong tham gia BHYT do thu nhập không ổn định, mức đóng BHYT HSSV hàng năm tăng do mức lương cơ sở điều chỉnh tăng.
Nguyên nhân khác nữa là hoạt động y tế tại các trường học đạt hiệu quả chưa cao, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có đủ điều kiện theo quy định để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trường còn lúng túng trong quản lý và sử dụng số kinh phí được trích chuyển tại nhà trường. Thêm nữa, thủ tục khám chữa bệnh (KCB) BHYT còn rườm rà dẫn đến sự không hài lòng của người bệnh BHYT.
Ngoài ra, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai ngành BHXH và Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc triển khai BHYT HSSV. Một số cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Tại một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…
Nghiên cứu đưa BHYT vào chương trình giáo dục
Năm học mới 2019 - 2020, cả nước có hơn 20 triệu HSSV. Để phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tích cực triển khai công tác BHYT HSSV.
Trong đó, đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại các nhà trường. Đồng thời, có hình thức xử lý kịp thời đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT; tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững gắn với y tế cơ sở; tham mưu UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành, chú trọng các vùng khó khăn.…
Đề xuất biện pháp thực hiện BHYT HSSV đảm bảo phát triển cả số lượng cũng như tính bền vững qua các năm, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, trước hết, phải giữ vững và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT. Đến lúc nào đó cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường.
BHXH Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB. Đồng thời, để khuyến khích được người dân tham gia BHYT, trong đó có HSSV, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở KCB thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT…
Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHYT đối với HSSV tương ứng là 67.050 đồng/tháng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% tương ứng với 20.115 đồng/tháng, HSSV đóng 70%, tương ứng với 46.935 đồng/tháng. Về việc thu BHYT, thực hiện thu đảm bảo theo đúng quy định, đối với SV mới nhập học, HS chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2019. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019; cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV theo phương thức linh hoạt 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần năm 2020 nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. |
Mai Lâm