Thiếu phòng chức năng,ạilocơsởvậtchấttrườnglớnhận định sheffield phòng lớp xuống cấp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy hư hỏng... là khó khăn đang tồn tại ở một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Trường THCS Ngô Quôc Trị trang bị trên 250 cái ghế nhựa để học sinh ngồi học.
Khó đảm bảo hoạt động giảng dạy
Tổng diện tích trường chưa được 600m2, có 6 phòng học với 12 lớp, nhưng lại có đến 382 học sinh theo học… đây là tình trạng nhiều năm nay ở Trường Tiểu học Đông Thạnh 2, huyện Châu Thành. Mặc dù, đã được xây dựng khá lâu, nhưng tính đến nay trường mới chỉ được đầu tư kinh phí lớn để sửa chữa 2 lần, còn lại chỉ là sửa chữa nhỏ từ nguồn vận động xã hội hóa. Không chỉ không có các phòng chức năng, sân chơi dành cho học sinh cũng còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Khó khăn về cơ sở vật chất của trường đã tồn tại nhiều năm rồi, so với các trường trên địa bàn xã thì trường hiện đang khó khăn nhất. Khổ nhất là mấy tháng mưa, triều cường lên, sân trường và dãy phòng gồm 5 lớp học đều bị ngập hết. Ngoài ra, trường cũng không có phòng công nghệ thông tin, thư viện hay phòng đọc sách nào cả”.
Cơ sở vật chất xuống cấp, phòng lớp không đảm bảo đủ cho hoạt động giảng dạy, vì vậy, hàng năm số lượng học sinh được nhận vào học ở trường đều phải giảm dần. Giáo viên của trường đã tự trang bị máy tính để kết nối với chiếc tivi duy nhất của trường để mang xuống lớp giảng dạy. “Mỗi lần muốn dạy bằng công nghệ thông tin là các thầy phải mang cái tivi xuống lớp để kết nối với máy tính, nhìn cực lắm. Mong muốn duy nhất của nhà trường cũng như phụ huynh và học sinh ở đây là được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện để trường có được cơ sở vật chất mới khang trang hơn cho học sinh không vất vả khi học vào các tháng mưa nữa”, ông Cẩn chia sẻ thêm.
Không riêng gì Trường Tiểu học Đông Thạnh 2, nhiều năm nay, do không có diện tích đất để mở rộng cơ sở vật chất, nên Trường Tiểu học Tân Phước Hưng 2, huyện Phụng Hiệp, cũng khó thu hút được học sinh trên địa bàn. Ông Phạm Văn Tiếu, Hiệu trưởng của trường, bộc bạch: “Ngoài điểm chính thiếu diện tích đất để mở rộng, trường còn có thêm 3 điểm phụ, với tổng số 6 phòng học. Ở các điểm phụ đa phần học sinh học hết lớp 4 là chuyển sang các trường khác học hết, tại ra điểm chính thì xa điều kiện học tập cũng còn khó khăn. Bên cạnh đó, phần đất ở phía trước điểm chính đang sạt lở. Nếu không di dời kịp thời sợ 2-3 năm nữa trường chắc phải đóng cửa”. Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Tân Phước Hưng 2 có 224 học sinh theo học. Do điều kiện cơ sở vật chất không thuận lợi, nên số lượng học sinh trên địa bàn theo học ở trường đang giảm dần qua từng năm.
Thiếu đất để mở rộng trường lớp đang là thực trạng tồn tại ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Địa phương, ban giám hiệu của các trường cũng thường xuyên vận động người dân hiến đất để xây dựng trường lớp, được xem là giải pháp bước đầu để khắc phục khó khăn.
Tận dụng cả phòng hội trường, thư viện để bố trí thành lớp học
Nhà vệ sinh cho các bé đều nằm tách biệt với các lớp, sân chơi cho các cháu với các đồ chơi ngoài trời cũng không nhiều là hiện trạng của Trường Mầm non Anh Đào, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, trong nhiều năm qua. Bà Đặng Thanh Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Do nằm gần các khu công nghiệp nên học sinh ở trường đông lắm. Ở đây, lúc trước các phòng lớp xây dành cho cấp tiểu học nên tất cả các lớp đều không có nhà vệ sinh riêng. Cơ sở vật chất của trường chỉ có 6 phòng học, nhưng lại có đến 11 lớp, vì vậy nhà trường phải tận dụng cả phòng hội trường, thư viện để bố trí thành lớp học cho các cháu”.
Do diện tích đất mở rộng trường không có, Trường Mầm non Anh Đào lại nằm ngay cạnh chợ Cái Tắc, gần các khu công nghiệp, nên mỗi lớp của trường thường có từ 46-50 trẻ. Riêng năm học 2017-2018, trường có 469 trẻ theo học, mặc dù số trẻ năm nay có giảm hơn năm trước, nhưng hiện các lớp vẫn khá đông. Vào các giờ đón trẻ, do sân trường nhỏ lại gần chợ, nên việc an toàn giao thông chưa được đảm bảo. “Trước khó khăn trên, đầu năm học này trường cũng được đầu tư kinh phí hơn 1 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động giảng dạy và chăm sóc cho các bé đạt hiệu quả, chúng tôi cũng mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm để trường có được cơ sở vật chất mới khang trang hơn”, bà Tuyền nói thêm.
Còn với Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, một trong những ngôi trường có nhiều thành tích trong hoạt động giảng dạy và học tập. Mặc dù đã được tái công nhận đạt chuẩn, nhưng hiện trường đang gặp khó về thiếu bàn ghế để phục vụ học tập cho học sinh. Ông Huỳnh Thanh Võ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có trên 250 cái ghế nhựa được trang bị ở các lớp để học sinh ngồi học. Mấy năm nay, bàn ghế của trường đã xuống cấp rất nhiều, chúng tôi cũng đã tham mưu với các cấp lãnh đạo để mong được đầu tư thêm cho học sinh học tập tốt hơn”. Là ngôi trường lớn, có nhiều thành tích nhất huyện Vị Thủy, nhưng với bàn ghế hư hỏng thiếu thốn, đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giảng dạy của trường. Với cơ sở vật chất gồm 42 phòng, trong đó có 22 phòng học, 6 phòng bộ môn, 10 phòng chức năng, mỗi năm Trường THCS Ngô Quốc Trị phải tiếp nhận gần 1.500 học sinh. Tuy thường xuyên được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng với thực tế nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn khó khăn sẽ là cản trở lớn để trường tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.
Nỗi lo về cơ sở vật chất, trường lớp chưa bao giờ vơi và nhiều trường vẫn đang rất cần sự hỗ trợ để sửa chữa, xây dựng lại khang trang hơn, phục vụ tốt nhu cầu dạy học.
Bài, ảnh: AN NHIÊN