Đây cũng là thách thức lớn gây khó khăn cho công tác điều trị nghiện và phòng chống dịch, nhất là khi tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt trong nhóm người trẻ tuổi.
Gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ
Theo số liệu mới cập nhật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.514 người, số bệnh nhân tử vong là 1.436 trường hợp. Ước tính trong số người nhiễm mới HIV năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi trở lên và trẻ em nhiễm mới là 268 trẻ. Cũng trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 2% là phụ nữ bán dâm...
Đánh giá về tình hình lây nhiễm HIV hiện nay, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, đến nay dịch đã có xu hướng giảm ở cả ba tiêu chí là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Mặc dù vậy, dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Tính đến nay, cả nước có 120 cơ sở cai nghiện với tổng số người đang được điều trị tại các cơ sở là 34.620 học viên. Riêng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiện có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, với số người được cai nghiện là 1.834 người.
Cùng với đó, sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng tính nam, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Hơn hết, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng ở các địa phương đang là vấn đề khá phức tạp tại Việt Nam. Còn theo ước tính của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70 – 85%.
Cũng theo TS. Hoàng Đình Cảnh, người sử dụng ma túy tổng hợp đều có nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh về máu. Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, sử dụng ma túy tổng hợp còn gây ảo giác, rối loạn tâm thần, gây nên những hành vi nguy hiểm đe dọa trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Trước những thực tế như vậy, lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, cơ quan này đã chính thức được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam nên thời gian qua đơn vị đã cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hướng dẫn quốc gia can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và triển khai các dự án thí điểm tại các cơ sở y tế công cộng.
Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng nhấn mạnh, điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, trong khi can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Do đó, để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.
Cũng liên quan đến những lo ngại về tình trạng người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Cùng với đó là xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng, để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới, từ đó góp phần kiểm soát sự lây lan của HIV qua tiêm chích ma túy.
Mặc dù vậy, ông Lập cũng thừa nhận công tác cai nghiện hiện nay còn gặp nhiều thách thức khi nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng, để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện được xây dựng nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. “Chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm quản lý đối với người nghiện ma túy. Có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng”, ông Lập nói.
Mai Đan