Thanh niên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gom phế thải trong khu vực hồ Tịnh
Nguyên xưa,ỉnhtranghồTịkèo hnay hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m, là vườn Ngự điển hình của các vua triều Nguyễn. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1993, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Vĩnh khảo sát cho thấy hồ Tịnh chỉ còn bình diện hình chữ L, có diện tích khoảng 12,6 ha. Trên hồ Tịnh có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Giữa hồ Tịnh Tâm có đê Kim Oanh, nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. Ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu. Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch xây khá cao. Ở bốn mặt trổ bốn cửa: Hạ Huân ở phía nam, Đông Hy ở phía bắc, Xuân Quang ở phía đông và Thu Nguyệt ở phía tây...
Với kiểu kiến trúc cầu kỳ nhưng hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Từ cuối thế kỷ XIX, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lần tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh... Ngày nay, hồ Tịnh Tâm vẫn ở trong trạng thái phế tích.
Nhiều năm nay, việc bảo tồn, trùng tu, phục hồi vườn thượng uyển hồ Tịnh luôn được chính quyền Thừa Thiên Huế quan tâm. Tuy nhiên, những khó khăn liên quan đến kinh phí trùng tu và vấn đề giải phóng mặt bằng trong phạm vi khu vực 1 của di tích, khiến cho một số dự án bảo tồn hồ Tịnh thất bại và chưa có giải pháp phù hợp. Trong điều kiện đó, trước mắt Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với chính quyền TP. Huế chỉnh trang hồ Tịnh từng bước, từ trong ra ngoài trên 2 đảo chính Bồng Lai, Phương Trượng và những con đường bao quanh hồ.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang, không gian hồ Tịnh sẽ được dùng để tổ chức các hoạt động phục vụ du khách như tổ chức Chương trình "Áo dài với Di sản"; trưng bày, triển lãm ảnh về Huế, phục vụ người dân và du khách trong kỳ Festival Huế 2020 sắp đến. Về lâu dài, đây sẽ là một địa điểm mở để tổ chức các hoạt động triển lãm ngoài trời, giới thiệu về văn hóa Huế và là điểm dừng chân thưởng ngoạn, phục vụ du khách và người dân Huế.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói: Cùng với nỗ lực chỉnh trang cảnh quan của hồ Tịnh, chúng tôi rất mong bà con và các hộ dân sinh sống gần hồ tiếp tục nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh chung, không xả thải xuống lòng hồ và không tập kết rác thải ở các khu vực xung quanh hồ. Có sự chung tay của người dân, Tịnh Tâm sẽ là điểm đến xanh – sạch – sáng.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN