Số người siêu giàu trên toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ảnh: TL |
Sau khi đạt các con số kỷ lục trong những năm gần đây, tổng giá trị tài sản ròng của những người siêu giàu giảm 5,5%, xuống 45.400 tỷ USD.
Trong năm qua, Bắc Mỹ là khu vực đứng đầu với 142.990 cá nhân siêu giàu, giảm 4%.
Theo báo cáo, châu Á vẫn có nhiều người siêu giàu hơn châu Âu, chỉ sau Bắc Mỹ, dù số người giảm mạnh nhất trong các lục địa vào năm ngoái.
Số người siêu giàu ở châu Á năm qua là 108.370, giảm gần 11% so với năm 2021, cũng là mức giảm cao nhất trong các lục địa.
Tổng tài sản của nhóm này giảm 10,6%, gần như xóa sạch mọi sự tăng trưởng của năm trước đó.
Báo cáo định nghĩa người siêu giàu là cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD, tức tài sản đã trừ đi tất cả khoản nợ.
Về nguyên nhân, chính sách kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến xuất khẩu và tiêu dùng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực, suy yếu thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở các thị trường tập trung vào công nghệ như Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Giá trị tài sản của người giàu ở châu Á cũng chịu áp lực do đồng USD mạnh hơn, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách điều hành vĩ mô của các nước.
Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ quan điểm rất linh hoạt, gây áp lực lớn lên đồng yen.
Sự kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ tiếp tục ảnh hưởng đến giá trị tài sản tại Trung Quốc.
Dù vậy, số người siêu giàu ở châu Á vẫn cao hơn châu Âu, nơi có 100.850 người, giảm hơn 7% so với 2021.
Theo báo cáo, số người siêu giàu ở châu Á đã vượt qua con số ở châu Âu lần đầu tiên vào năm 2019.
Đến 2022, người siêu giàu châu Á nắm giữ 12.130 tỷ USD tổng tài sản so với 11.730 tỷ USD của châu Âu.
Năm ngoái, đà phục hồi sau dịch của châu Âu bị mất đà do xung đột tại Ukraine.
Tổn thất trên thị trường chứng khoán không nghiêm trọng, với chỉ số MSCI của châu Âu kết thúc năm giảm 9%, nhưng ảnh hưởng trực tiếp là đáng kể, khi Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng mà châu Âu phụ thuộc.
Điều đó dẫn đến vấn đề về lạm phát, chuỗi cung ứng, tâm lý kinh doanh và rủi ro suy thoái.
Ngoài ra, giá trị tài sản của người giàu của lục địa già cũng bị áp lực từ điều kiện tiền tệ thắt chặt, thị trường bất động sản chậm lại và đồng euro giảm giá so với đồng USD.
Các nhà phân tích dự báo tỷ lệ người siêu giàu của châu Á trong tổng số toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và có thể đạt 29% vào năm 2027, từ mức 15% vào năm 2004.
Ngược lại, tỷ lệ đến từ châu Âu sẽ giảm từ 41,4% năm 2004 xuống 25% vào năm 2027.
Trong khi dân số siêu giàu dự kiến tăng ở tất cả khu vực trên thế giới, châu Á được dự báo chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm tới.
Bắc Mỹ dự kiến tiếp tục chiếm khoảng 35% tổng giá trị tài sản của người siêu giàu toàn cầu vào năm 2027.
Trong khi đó, châu Âu được dự báo thụt lùi so với hai khu vực này, mặc dù tổng tài sản tích lũy vẫn tăng lên.
Theo báo cáo, dân số siêu giàu toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 528.100 người vào năm 2027, tăng từ mức 133.000 người của năm 2022./.