Nhiều tiềm năng
Theo TS. Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát triển ngành công nghiệp dược luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, trước hết xuất phát từ mục tiêu quan trọng hàng đầu là bảo đảm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời đây cũng là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển với hàm lượng khoa học - công nghệ cao, đóng góp tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về tiềm năng phát triển, TS. Ngô Đông Hải cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu với sự đa dạng về chủng loại cùng với truyền thống lịch sử ngành Y dược cổ truyền, nếu có sự hợp tác nghiên cứu và đầu tư đúng mức sẽ mở ra triển vọng sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với quy mô dân số hiện đứng thứ 13 thế giới và dự báo sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2025, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành công nghiệp dược.
Qua 30 năm đổi mới, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành công nghiệp Dược Việt Nam đã có bước tiến khá nhanh với những kết quả quan trọng. Hiện có gần 200 doanh nghiệp với nhiều dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại đã được đầu tư, số lượng các cơ sở sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc GMP tăng nhanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đã sản xuất được một số thuốc đòi hỏi trình độ công nghệ cao, đặc biệt đã sản xuất được một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đã có sản phẩm dược do các doanh nghiệp trong nước tự nghiên cứu, sản xuất bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu tại thị trường trong nước khá vững chắc và đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu ra một số quốc gia trên thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam để đầu tư với một số dự án quy mô lớn đóng góp tích cực vào phát triển của ngành dược thời gian qua.
Tuy nhiên, theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thì công nghiệp dược của Việt nam đang dừng lại ở gần mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Phần giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000 ha, đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước.
Quy mô còn nhỏ bé
Số liệu về hiện trạng ngành công nghiệp hóa dược của Bộ Công Thương cho thấy, quy mô ngành công nghiệp hóa dược còn nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm với trên 90% sản phẩm phải nhập khẩu, tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2/7 cơ sở đạt GMP.
Về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phục vụ sản xuất và các vấn đề môi trường của ngành: Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công nghiệp sản xuất hóa dược nói chung và phục vụ nghiên cứu triển khai, ứng dụng trong sản xuất hóa dược còn lạc hậu và không đồng bộ. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ và đội ngũ cán bộ chuyên môn về hóa dược vừa yếu vừa thiếu, số đã được đào tạo thì bị mai một.
Ông Ngô Đông Hải cho biết, thời gian tới, với việc đẩy mạnh chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì việc phát triển ngành công nghiệp dược trở thành ngành mũi nhọn với năng suất lao động cao, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng.
Để phát huy nội lực, nâng cao khả năng cung ứng trong nước, thúc đẩy phát triển ngành hóa dược theo hướng bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường và từng bước hướng tới xuất khẩu, trong thời gian tới Bộ Công Thương đã đề xuất một số định hướng ưu tiên, giải pháp cụ thể cần được xem xét và triển khai mạnh mẽ.
Trong đó, Bộ Công Thương cho rằng cần đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất khẩu, thuốc từ dược liệu và thuốc gốc (generic) thay thế thuốc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu; Kết hợp chặt chẽ nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành Dược, ngành Hóa chất với nguồn lực của các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại hội thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035, chuyên gia đến từ tổ chức Communique International cho rằng, cửa sổ cơ hội dành cho Việt Nam đang thu hẹp dần, Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập các sáng kiến để hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu cung ứng 80% thuốc sản xuất trong nước ở năm 2020. “Chúng tôi tin rằng, bên cạnh việc cung ứng cho thị trường trong nước, Việt Nam còn có thể tiến xa hơn, để trở thành một trung tâm sản xuất dược với trọng tâm xuất khẩu, cung ứng cho khu vực ASEAN và xa hơn nữa”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo đó, chuyên gia của tổ chức Communique International cho rằng, ngay trong trước mắt, cần một số sáng kiến then chốt để tăng cường hình ảnh của Việt Nam với tư cách một căn cứ sản xuất dược phẩm đẳng cấp thế giới. Cụ thể, cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước; Khởi động một cơ chế minh bạch, công bằng cho sản xuất gia công và đấu thầu công, đồng thời thúc đẩy cơ chế pháp lý và luật định tạo thuận lợi cho việc thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài.