【kq zenit】Kỳ thi THPT quốc gia 2018: "2 trong 1" có còn phù hợp?
Đề thi quá khó!
Nhìn lại đề thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá là dễ, nên đã có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 điểm/3 môn. Do vậy, nhiều trường đại học đã thông báo mức điểm có ngành lên đến 29, thậm chí 30 điểm. Đối với Kỳ thi THPT năm 2018, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải quan, tại các điểm thi THPT quốc gia sau mỗi môn thi các thí sinh đều đánh giá đề thi khó và có tính phân hóa cao. Nhiều thí sinh còn vô tư chia sẻ: “Đề thi năm nay đúng là dễ, nhưng chỉ dễ với... giáo viên”.
Đặc biệt, đề thi môn Toán cũng khiến cho giáo viên "bật khóc" vì đề thi khó và dài, trong khoảng thời gian 90 phút cũng không thể trả lời hết các câu hỏi trong đề. Trong những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã bật khóc khi không thể làm hết đề Toán trong 90 phút.
“Sau khi kết thúc thời gian thi môn Toán THPT quốc gia, tôi đã làm mã đề 106. Tôi trừ 35 phút cho 35 câu đầu vì các đề thi tương tự tôi làm hết các câu trong khoảng thời gian đó. Từ câu 36 đến 40, tôi mất 30 phút, trong đó có câu mất 5 phút, có câu mất 10 phút. Tôi tiếp tục làm từ câu 41 đến câu 45 trong trạng thái rất căng thẳng và mất 30 phút, làm xong câu 45 thì đã hết thời gian”, ông Tùng chia sẻ.
Giải thích vấn đề trên, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2018, đề thi được tăng cường độ phân hóa, có những câu rất dễ đến câu khó. Để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó. “So sánh với năm 2017, độ khó của đề thi tăng lên là hiển nhiên, vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh đã được thông báo sớm, ngay khi các em đang học lớp 11”, ông Hồng nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, đề thi không thể đảm nhiệm được hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học cao đẳng. Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: “Sau những "cơn mưa" điểm 10 của Kỳ thi THPT năm ngoái và đề quá khó của năm nay, chúng ta thấy không có cách gì để “chuẩn hóa” được một đề thi đảm đương được cả hai vai trò vừa xét tốt nghiệp, vừa thi đại học. Với việc ra đề quá khó và nhất là dưới hình thức thi trắc nghiệm mà tổ chức tú tài quốc tế IB khuyến cáo nên hạn chế, tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy, học năm tới và tương lai của nền giáo dục nước nhà”.
Sẽ đánh giá lại kỳ thi
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã giảm áp lực thi cử cho học sinh. Đặc biệt, từ khi Bộ GD&ĐT giao kỳ thi cho các địa phương tổ chức kỳ thi đã trở nên nhẹ nhàng, thí sinh và người nhà không phải khăn gói lên các thành phố lớn để dự thi.
Các khâu tổ chức kỳ thi ở địa phương cũng diễn ra nghiêm túc, khách quan. Tuy nhiên, đề thi vẫn chưa giải quyết được hai nhiệm vụ là xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đặc biệt, độ khó dễ trong đề qua các năm vẫn chưa có sự đồng đều nên tạo sự mất công bằng giữa thí sinh.
Trước những băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH và CĐ đã bộc lộ những bất cập và khó khả thi trong việc ra đề thi. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã dẫn Điều 32, Luật Giáo dục quy định vẫn tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT; Điều 34 Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo 3 hình thức: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi và xét tuyển. Như vậy, ở thời điểm này, đang vận hành theo khuôn khổ của hai luật trên. Đồng thời, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu thi và xét tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức kỳ thi ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng có kết quả đáng tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH.
Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44, trong đó có một giải pháp nói rất rõ: Đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.
“Hiện nay, Trung ương đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện kỳ thi vào năm 2019, chắc chắn trong các nội dung sơ kết này sẽ có câu chuyện về đổi mới kỳ thi. Sắp tới, khi sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 29 và Luật Giáo dục cũng như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp ban hành, dựa vào chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH nên vận hành theo hướng nào sẽ được tiếp tục bàn thảo”, ông Trinh cho biết.
Mặc dù vậy, ông Đạt cũng đề xuất nên bỏ kỳ thi chung trong toàn quốc như hiện nay, thay vào đó là kỳ thi cuối năm nhẹ nhàng và thực chất cho lớp 12 do địa phương tự tổ chức theo quy chế chung toàn quốc.
“Mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế học sinh ở địa phương đó, miễn là kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Đòi hỏi một mặt bằng chung trong toàn quốc là không thể và sẽ đẩy các địa phương chạy theo thành tích ảo. Theo thời gian, các địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận trình độ chung của quốc gia. Khi đó, việc học mới đi dần vào thực chất chứ không phải "làm xiếc" với các con số trong những bản báo cáo thành tích mà ai cũng hiểu nó như thế nào”, ông Đạt nhấn mạnh.