Gỡ cơ chế
| ||
(TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) |
Mới đây nhất, những tranh cãi về Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục NK ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống của Bộ Công Thương là biểu hiện rõ nhất về yêu cầu luật phải phù hợp với hoạt động của DN. Sau nhiều ý kiến qua lại giữa DN và các cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã kiến nghị lên Chính phủ bãi bỏ Thông tư này nhưng với điều kiện khi các quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực, điều này vừa giúp tạo thuận lợi cho DN, vừa bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các giải pháp về thuế, trong đó có đề xuất giảm thuế Thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa từ 20% như hiện nay xuống còn 17% trong vòng 4 năm. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã có một lộ trình giảm thuế từ mức 32% (năm 1999) giảm dần xuống mức 28% (2004), 25% (2009), 22% (2014) và 20% (2016).
Hoan nghênh đề xuất này, ông Nguyên Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Cát Lợi cho biết, với các DN, giảm một đồng cũng quý, với mức thuế còn 17% nếu được áp dụng trong năm tới thì Công ty có thể tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này sẽ đóng góp đáng kể cho việc quay vòng vốn, đầu tư cở sở hạ tầng, mở rộng sản xuất.
Còn rào cản
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, khung pháp luật trong các quy định về Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… vẫn còn những sự chồng chéo, không rõ ràng. Điều này làm hạn chế tính tích cực của nhiều chế định luật nhằm khuyến khích đầu tư, làm gia tăng tiêu cực trong việc thi hành pháp luật, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh.
Nhận xét về điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sau khi có bộ máy Chính phủ mới, nhiều động thái tích cực đã được mở ra cho các DN. Dù biết các luật còn vướng, điều luật này khác với điều luật kia, nhưng nhiều bộ ngành mới chỉ phát hiện trên hình thức, còn thực tế rào cản gì, vường mắc gì, hệ quả ra sao đối với DN và cơ quan quản lý Nhà nước thì chưa xác định được vấn đề.
Cụ thể hơn về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Thị Kim Dung, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập DN còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu logic. Ví dụ như việc thành lập một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có 3 loại giấy phép là giấy phép xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN. Tuy nhiên, việc này còn có thể có các giấy phép con khác như giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán buôn, giấy phép lập cơ sở bản lẻ… Những loại giấy tờ này sẽ làm “nản lòng” những nhà đầu tư nước ngoài.
Tỏ ra bức xúc về sự phiền hà của một số luật, đại diện Công ty B.Braun Việt Nam cho biết, là DN có vốn đầu tư nước ngoài, để thực hiện Thông tư 04/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với DN Nhà nước, DN và dự án có vốn đầu tư nước ngoài, mỗi tháng, B.Braun Việt Nam phải làm đến 6 báo cáo cơ sở, chi tiết về hoạt động kinh doanh; định kỳ 6 tháng, DN phải có báo cáo Quý, mỗi quý là một báo cáo. Như vậy, trong một năm, DN phải làm tới 72 báo cáo.
Một DN khác còn cho biết, Luật Đầu tư mới quy định, DN muốn tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm phải xin giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu trước kia đi xin chứng nhận đầu tư kinh doanh tại một nơi thì nay phải đi tới hai nơi. Như vậy, rất mất thời gian và công sức của DN.
Chờ sự thay đổi
Theo thống kê của nhiều chuyên gia, vẫn là con số nghìn khi nói đến các điều kiện kinh doanh được quy định tại văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Do đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc cho rằng, trong kinh doanh, Nhà nước cần tạo sự công bằng, minh bạch cho các DN. Các nhà quản lý không nên nhân danh một lý do nào đấy để đặt thêm quy định, tăng thêm thủ tục cho DN. Bởi DN tồn tại và phát triển được không chỉ nhờ môi trường kinh doanh mà còn vì sự nỗ lực của DN và sự đồng thuận từ phía đối tác, khách hàng.
Trên quan điểm là một doanh nhân lâu năm, đã từng trải qua nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, để xây dựng nên một công trình nhà ở, DN bất động sản đang phải chịu nhiều thủ tục và giấy phép con, DN chịu thiệt là chuyện đương nhiên, nhưng thiệt thòi hơn cả lại chính là đối tượng mua nhà. Bởi thủ tục kéo dài, chính quyền can thiệp quá sâu gây phiền hà, khiến DN tốn thêm chi phí chi trả lương cho nhân viên, tiêu hao tài sản, DN sẽ không để bị lỗ nên phải tăng giá bán.
“Nhà nước cần tạo thuận lợi cho DN, Nhà nước chỉ nên giữ vai trò hậu kiểm. Bên cạnh đó, mọi thủ tục, giấy tờ cần công khai minh bạch bằng trang web, phải điện tử hóa chính quyền, DN vướng chỗ nào có thể lên web của bộ, của sở có liên quan để tra cứu, thắc mắc và nộp hồ sơ, chờ phản hồi giải đáp. Như vậy, mọi thủ tục vừa nhanh chóng, vừa công khai, đỡ tốn chi phí cho cả DN lẫn cơ quan công quyền”, ông Đực kiến nghị.
Trong bối cảnh như trên, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để xây dựng thành công được luật này, các cơ quan liên quan cần xác định được cụ thể vấn đề và hệ quả của luật đối với quản lý Nhà nước cũng như phải thích ứng được với hoạt động thực tế của DN trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.
Như vậy, các DN vẫn đang bị rối trong “mớ bòng bong” những quy định về luật pháp khi luật chồng luật, trong luật này có luật khác, luật chung lại trái với luật chuyên ngành… Điều này khiến nhiều DN cho rằng, việc chạy theo luật cũng đã ngốn hết khoản lợi nhuận để đầu tư phát triển thêm của DN. Do đó, một lộ trình dài hơi hơn, sâu hơn để sửa đổi các điều luật, giúp luật pháp tương thích với hoạt động của DN là điều nên làm ngay.