【giao hữu các câu lạc bộ】Trên quê hương Tân Hải

Báo Cà Mau(CMO) Cầm trên tay những bản báo cáo với các số liệu tròn đầy của xã Tân Hải, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Nhớ trước đây, khi về thực hiện phóng sự “Màu xanh trên đất chết”, tôi đã dự cảm được sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này.

Khoan hãy nói về những con số. Nó không sinh động, ấm áp và khiến người ta tin tưởng vào ngày mai bằng những hiện thực nóng hổi ngoài kia. Một nơi từng làm con người ám ảnh với tên gọi địa ngục trần gian, nơi bọn giặc và bè lũ tay sai biệt khu Hải Yến - Bình Hưng gây nên biết bao tội ác, nơi cái nghèo từng đeo đẳng tưởng không dứt được, giờ đã là xã nông thôn mới, một hình mẫu mà rất nhiều địa phương khác phải học hỏi.

 Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải Trần Minh Nguyên dẫn giải: “Tính ra 16/16 chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ, xã đã về đích hết rồi, chỉ còn một vài chỉ tiêu mình làm cho chín, cho tới hơn thôi”. Trong câu chuyện với vị tân Bí thư Đảng uỷ xã, ông nói: “Tân Hải nhìn chung đã bước vào giai đoạn ổn định, phát triển. Khởi sắc nhất vẫn là diện mạo và mặt bằng đời sống người dân không ngừng nâng lên”. Suốt 3 tháng về nhận công tác tại xã, ông Nguyên có điều kiện đi, tận mắt thấy và cùng với người dân chia sẻ những công việc lớn nhỏ, với ông thì chất đất, chất người Tân Hải coi vậy mà khó có thể tìm kiếm ở đâu khác, nghĩa tình, ấm áp và gan góc, không sợ hãi trước bất cứ điều gì.

Hỏi chuyện Chủ tịch UBND xã Tân Hải Nguyễn Đức Duy về tình hình bà con ở các cửa biển Công Nghiệp, Cái Cám trong kỳ mưa dông cao điểm, ông thoáng nét buồn: “Nói chung thiệt hại về tài sản cũng hơn 200 triệu đồng. Chủ yếu là hiện tượng nước dồn, dâng lên đột ngột rồi bà con không kịp bảo vệ đồ đạc, vật dụng, vậy là hư”. Theo ông Duy, với những cơn mưa dông nổi lên đột ngột, gặp nước triều lớn, nước biển dâng lên và rút đi chỉ trong đôi mươi phút, đây là hiện tượng mà người dân cho biết là chưa từng thấy từ trước tới giờ. Đột ngột, ông Duy nghe điện thoại, có tin báo về hiện tượng nước dồn ngoài Cái Cám, nhưng ngay sau đó nước rút đi rất nhanh.

Cùng rong ruổi trên ấp Thanh Đạm một ngày mưa dông tối trời, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Tân Hải Vũ Hùng hỏi chúng tôi: “Mấy anh về Tân Hải coi bộ cũng thường, hỏi thiệt, thấy vùng đất này có phát triển nhiều không? Tụi tôi ở đây coi vậy mà khó đánh giá quá”. Chúng tôi đáp lại câu hỏi nhiệt tình của ông bằng nụ cười tươi: “Tân Hải mình phát triển nhiều, hết bị người ta coi là xã 5 không rồi còn gì. Nông thôn mới ở đây nhiều nơi thèm… nhểu nước miếng chớ giỡn chơi đâu”. Duyên sao, nhiều lần đi công tác cơ sở, chúng tôi lại cùng đi với ông Vũ Hùng, ông hay có những câu nói khiến người ta bất ngờ, kiểu như “Tân Hải giờ có ai còn kêu bằng xã 5 không nữa không chú?” hay “Cái di tích biệt khu Hải Yến - Bình Hưng xây chừng nào rồi”... Với hiểu biết và chức phận của mình, có những câu chúng tôi chỉ giải thích được một phần, còn lại chủ yếu là ậm ừ cho qua chuyện. Ông Vũ Hùng là người nặng tâm với việc chung, với quê hương xứ sở, thế nên bên trong những câu hỏi tưởng chừng bột phát ấy là biết bao nhiêu trăn trở, tâm huyết.

Rẫy bắp giúp kinh tế gia đình anh Lữ Văn Út từng bước vững vàng.

Ấp Thanh Đạm, nơi Mỹ - Diệm dựng nên một biệt khu khét tiếng ác ôn, tiếng ác vang xa cả nhân loại: Hải Yến - Bình Hưng. Nhớ những trang viết của cố Nhà văn Nguyễn Thanh về tội ác của giặc với gia đình ông Tám Sồi, với bà con mà nổi hết gai ốc. Người ta không bao giờ tưởng tượng được, giữa con người với con người lại có kiểu hành xử dã thú, man rợ như thế ấy. Chúng nó giết người bằng cách mổ bụng, moi gan, ăn gan, uống máu, trụng nước sôi, giết người không cần bất cứ lý do gì. Tại đây, chúng đã thi gan cùng với Diêm Vương để xây nên chiếc cầu Vĩnh Biệt, ai bước qua đó coi như hết cửa quay về. Máu đỏ, xương trắng vẫn còn đó, dưới mấy lớp đất của nền biệt khu kia là biết bao nhiêu mất mát, hy sinh và oan khuất.

Cũng mảnh đất ấy, bây giờ đã xanh lắm màu của tương lai, của một cuộc sống ấm no, trù phú. Ngày về lập nghiệp ở Thanh Đạm cách đây hơn 10 năm, anh Lư Minh Thống cùng vợ dựng tạm căn chòi tá túc. Cỏ dại, đất chuyển dịch chưa mấy thành thuộc, con tôm, con cua khi có, khi không. Rồi những bận cán bộ xã, ấp ghé thăm, uống trà, tâm tình, anh Thống nảy ra ý định dọn bờ liếp để trồng rẫy. Được sự ủng hộ và giúp sức của địa phương, anh bắt tay vào tỉa bắp, trồng bí. 2 giống chủ lực ấy đã giúp anh thấy được cái chất đất rất đặc biệt của Tân Hải, trồng cái gì cũng tốt, cũng trúng mà không cần phân thuốc gì. Trên diện tích gần 2 ha, anh Thống khoanh ô ngọt hoá 1 ha trồng rẫy, lập vườn, chỉ dành gần 1 ha để nuôi tôm. Chúng tôi đến khi anh bán những trái bí và lứa bắp cuối vụ, anh Thống cười: “Vụ rồi cả bắp và bí cũng mấy tấn. Bí 20 ngàn đồng/kg, bắp 30 ngàn đồng/chục, bao ngon, bao sạch”. Nhẩm tính sơ sơ, nguồn huê lợi từ rẫy của gia đình anh là một con số không hề nhỏ.

Gia đình anh Lữ Văn Út thì nhiệt tình mời chúng tôi xuống xuồng tham quan mấy liếp bắp cuối vụ. Anh Út nói: “Chừa ít lại để bán cho có giá”. Trong nhà, mấy người khách ngồi võng đợi anh Út bẻ bắp vô bán. Anh Út chia sẻ: “Từ nhỏ đã theo tía má trồng rẫy, rồi lớn lên cũng trồng theo. Cái gì chớ rẫy màu trên đất này thì hạp quá trời luôn”. Quanh năm gối vụ rau màu, thêm thu nhập từ tôm, cua, từng gia đình ở Thanh Đạm ngày càng ấm no, sung túc. Trong màu trời tối thâm, máy chụp ảnh của chúng tôi không thể nào chuyển tải hết được niềm tin, sự phấn chấn của người dân với những thành quả lao động của mình. Mừng khi nông sản của bà con làm ra trúng mùa, trúng vụ, trúng giá. Mừng khi thấy cuộc trò chuyện của cán bộ và người dân thân tình, cởi mở. Với sự chung vai, đoàn kết, thì chỉ tiêu nào, nghị quyết nào Đảng bộ, quân và dân Tân Hải cũng sẽ hoàn thành./.

Tính đến hết tháng 7/2019, Tân Hải đã về đích 16/16 chỉ tiêu của Nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ. Số hộ nghèo của xã còn 70 hộ, tỷ lệ hơn 3%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 45 triệu đồng. Hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, mặt bằng đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên. Chất lượng xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (được công nhận năm 2015) từng bước chuyên sâu, đảm bảo mục tiêu cao nhất của nông thôn mới là vì người dân, phục vụ Nhân dân. Phong trào lao động sản xuất, các gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt nở rộ. Sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân với chính quyền, Đảng bộ xã luôn rất cao, uy tín của cán bộ ngày càng được củng cố.

Phạm Hải Nguyên