Tiền ào ạt chảy vào
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã kéo dài thêm phiên buổi chiều đã thu hút một lượng tiền “khủng” đổ vào. Không chỉ khi thị trường kéo dài giao dịch mới “hút” tiền vào mà trước đó, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, trong tháng 2, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 17.750 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng 1. So với 3 tháng trước đó giá trị giao dịch trung bình cũng tăng gần 70%.
Đặc biệt, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tích cực mua ròng trong tháng 2, với lượng tiền mua vào là 3.315 tỷ đồng, tăng gấp đôi lượng so với bán ra. Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, trong tháng 2 có đến 44 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, bao gồm 22 tổ chức và 22 cá nhân.
Ngoài dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư cũ, sau một thời gian dài chán nản nay đã quay trở lại, nạp tiền vào tài khoản và mua chứng khoán.
Theo ông Tuấn, có nhiều dòng tiền đổ vào thị trường trong thời gian qua. Một phần từ chính thành viên Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là khối các ngân hàng lo sợ bị “thâu tóm” sau khi “nổ” ra vụ thâu tóm Sacombank. Dòng tiền này đã làm “lửa”, mồi thêm những dòng tiền khác vào thị trường. Bên cạnh đó, các quỹ, công ty chứng khoán cũng muốn đón đầu thị trường chờ lãi suất giảm.
Nhìn chung, có nhiều cơ sở để dòng tiền tiếp tục chảy vào chứng khoán, đặc biệt khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, USD vẫn còn đang kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng sẽ giảm thì gửi tiết kiệm không phải là lựa chọn ưu tiên.
Nên tiếp tục mua?
Cuối tuần qua, thị trường có phiên tăng điểm hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm điểm mạnh. Chỉ số VN-Index tăng 0,45 điểm lên mốc 432,11 điểm. Điều đáng lưu ý vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 9-3 là lực cầu của giá cao tăng kéo theo những mã quan trọng là một tín hiệu tích cực. Hơn nữa, sau khi thị trường có giao dịch buổi chiều, lực cầu đã được cải thiện vào phiên thêm giờ cho thấy nhà đầu tư đã mạnh dạn giao dịch hơn và việc kéo dài thời gian đã có hiệu ứng. Độ rộng hai sàn đã có tình trạng cân bằng giữa người mua và người bán. Không thể khẳng định đà giảm đã hết vì có thể cung cầu mới tạm thời cân bằng vào phiên cuối tuần nhưng theo các chuyên gia phân tích thì khả năng thị trường hồi giá trong tuần tới là khá cao.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trễ nhất lãi suất sẽ giảm vào quý 4, và sớm nhất là trong quý 2 này. Tùy theo tình hình thanh khoản của các ngân hàng thương mại cũng như chỉ số lạm phát trong vài tháng tới thì lãi suất sẽ hạ nhanh hay chậm. Theo đó, chứng khoán sẽ tăng hay giảm.
Tuy vậy, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng dòng tiền vào thị trường trong giai đoạn vừa qua phần lớn là dòng tiền nóng, đầu cơ và đưa vào phần lớn ở nhóm cổ phiếu ngành tài chính, chủ yếu là ngân hàng và chứng khoán. Nhưng thực tế, khả năng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành này gần như không cao. Vì vậy phần lớn nhà đầu tư đều muốn nhảy vào, bất chấp và họ có tâm lý mua cao để bán giá cao hơn chứ không muốn nắm giữ. Còn người bán vẫn chấp nhận bán ra chứ không nắm giữ, bằng chứng là lượng giao dịch cổ phiếu tăng lên liên tục. Điều này khiến khối lượng giao dịch trên thị trường tăng mạnh.
TS Lê Đạt Chí còn cho biết, về phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có một “vực sâu” của thị trường khi nhà đầu tư tổ chức xả hàng, vì vậy nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ, lẻ cần thận trọng để tránh rủi ro. Còn trong dài hạn, nếu muốn đầu tư, nhà đầu tư cần chọn lựa cổ phiếu tốt để mua vào trong những phiên điều chỉnh chứ đừng bất chấp.
|
Theo SGGP