VHO - Ngày 30.11,ọađàmKếtnốidisảnvàthểthaogolfcơhộivàtháchthứmarseille – toulouse tại Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Công ty CP Truyền thông đối ngoại Việt Nam phối hợp với Báo Văn hóa, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Kết nối di sản và thể thao golf: Cơ hội và thách thức”, với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa môn thể thao Golf và các di sản văn hóa, thiên nhiên tại địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn di sản.
Tọa đàm “Kết nối di sản và thể thao golf: Cơ hội và thách thức” là sự kiện mở đầu cho Giải Golf Di sản lần thứ Nhất - Ninh Bình năm 2024. Tham dự hội nghị có NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập báo Văn hoá; ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình…
Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình đặt vấn đề:“Trong bối cảnh phát triển kinh tế và văn hóa ngày càng gắn kết, việc khai thác tiềm năng từ các môn thể thao hiện đại như Golf để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang là một hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm. Việt Nam, với sự phong phú về di sản thiên nhiên và văn hóa, đặc biệt tại Ninh Bình với đặc trưng có nhiều di sản quý đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng thể thao Golf như một sản phẩm mới, độc đáo, kết hợp giữa thể thao và du lịch di sản”.
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng đánh giá việc phát triển du lịch Golf tại Việt Nam, đặc biệt ở những vùng có di sản văn hóa, là hướng đi chiến lược để thu hút khách du lịch quốc tế. Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa thể thao Golf và các yếu tố văn hóa di sản sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch có tính bền vững, thu hút những đối tượng du khách có chi tiêu cao và ở lại lâu hơn.
Trong khi đó, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình cho biết mục tiêu của sản phẩm “Golf Di sản” là kết hợp hài hòa giữa môn thể thao Golf và các di sản văn hóa, thiên nhiên tại địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn di sản. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ góp phần thu hút du khách quốc tế đến với Ninh Bình mà còn tạo ra một mô hình kinh tế bền vững cho cả cộng đồng địa phương.
Một số đại biểu khác lại đưa ra dẫn chứng về mô hình khai thác golf dựa trên di sản, chẳng hạn St. Andrews Links, sân golf nổi tiếng với lịch sử hơn 600 năm, được xây dựng ngay trong lòng thị trấn cổ kính St. Andrews tại Scotland, quê hương của môn thể thao này. Sân St. Andrews Links đón hơn 60.000 lượt khách/năm, trong đó 40% là khách quốc tế, tạo ra doanh thu hơn 20 triệu bảng Anh (580 tỷ đồng) chỉ từ phí chơi golf và dịch vụ phụ trợ. Hoặc sân golf Kawana Hotel Golf Course, tọa lạc gần núi Phú Sĩ mang tới cho người chơi những cảm giác vô cùng khác lạ cùng tầm nhìn ngoạn mục ra ngọn núi biểu tượng của đất nước mặt trời mọc.
“Golf Di sản không chỉ là một môn thể thao giải trí cao cấp, mà còn mang lại giá trị văn hóa to lớn. Qua đó, nó mở ra cơ hội để quảng bá hình ảnh của các di sản Việt Nam ra thế giới, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương”, ông Cường nhấn mạnh.
Về tiềm năng du lịch golf của Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, TS. Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết Châu Á đang dẫn đầu thị trường golf toàn cầu, với Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 13 triệu khách du lịch quốc tế, trong đó 1,5 triệu là khách du lịch golf.
Ngoài ra, Việt Nam có mối quan hệ kinh tế và văn hóa lâu đời với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia có số lượng người chơi golf lớn nhất tại châu Á. Đây là cơ hội để thu hút khách du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam trải nghiệm du lịch golf.
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, hay Indonesia, chi phí chơi golf tại Việt Nam thường thấp hơn đáng kể, trong khi chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng vẫn đạt tiêu chuẩn cao cấp. Đây là một lợi thế lớn để thu hút các golfer quốc tế đến trải nghiệm.
ThS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Phòng Thể thao Thành tích cao II, Cục Thể dục Thể thao nêu ý kiến: “Golf là một trong những môn thể thao có sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế, đặc biệt là những người có khả năng chi tiêu cao và yêu thích các kỳ nghỉ đẳng cấp. Khi du lịch golf được phát triển, không chỉ riêng ngành golf hưởng lợi mà còn kéo theo sự phát triển của hàng loạt dịch vụ đi kèm khác”.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn trong việc phát triển golf di sản, chẳng hạn như: nhiều địa phương chưa nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp di sản và thể thao trong bảo tồn văn hóa; golf bị coi là môn thể thao “quý tộc”, chưa phổ biến rộng rãi; xây dựng sân golf thiếu quy hoạch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cảnh quan di sản; sự kiện thể thao liên quan đến di sản còn thiếu sự đầu tư và sáng tạo để tạo dấu ấn đặc biệt.
Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam đưa ra giải pháp: Đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng địa phương trong việc phát triển các sản phẩm du lịch golf; Quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho du lịch golf thông qua các sự kiện quốc tế và chiến dịch truyền thông hiện đại; Đầu tư vào việc đào tạo nhân sự phục vụ ngành golf và du lịch, từ huấn luyện viên golf đến các nhà quản lý và nhân viên dịch vụ.
TS. Nguyễn Trùng Khánh lại nhấn mạnh về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để nâng cao khả năng cạnh tranh. Hiện nay, một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch golf tại Việt Nam là mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay, đang ở mức 20%.
Hiện nay phần lớn các công ty du lịch chưa quan tâm, đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển tour du lịch golf, dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng thị trường. Sản phẩm du lịch golf tại Việt Nam vẫn còn đơn giản và chưa đa dạng, thiếu các dịch vụ đi kèm như tour trải nghiệm văn hóa, khám phá di sản, mua sắm, và ẩm thực. Thiếu kết nối giữa các thành phần ngành du lịch: Các sân golf, công ty lữ hành, khách sạn, và các điểm tham quan chưa có sự kết nối mạnh mẽ để tạo ra các gói sản phẩm toàn diện cho du khách.
Truyền thông về lĩnh vực này còn yếu, chưa được quảng bá rộng rãi và có tính chiến lược. Nhiều cơ hội quảng bá du lịch golf qua các kênh truyền hình và mạng xã hội vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Nhân lực du lịch golf chưa được đào tạo đầy đủ. Sản phẩm du lịch golf còn đơn điệu: Hiện tại, sản phẩm du lịch golf của Việt Nam chưa được đa dạng hóa và vẫn còn khá đơn giản, chủ yếu chỉ tập trung vào các gói chơi golf mà chưa khai thác hết tiềm năng kết hợp với các hoạt động văn hóa, tham quan di sản, hoặc trải nghiệm ẩm thực.
TS. Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập báo Văn hóađưa ra giải pháp Truyền thông tích hợp hiện đại (Integrated Modern Communication), là một chiến lược kết hợp các công cụ, phương tiện và kênh truyền thông khác nhau để truyền tải thông điệp một cách nhất quán, hiệu quả, và tối ưu hóa tác động đến đối tượng mục tiêu.
Trong thời đại kỹ thuật số, truyền thông tích hợp hiện đại trở thành công cụ không thể thiếu để: Đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin nhanh chóng, đa dạng của công chúng, xây dựng sự kết nối chặt chẽ giữa thương hiệu và khách hàng, đồng thời đem lại giá trị bền vững, góp phần phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, như quảng bá di sản gắn với thể thao Golf tại Việt Nam.
Kết luận tại Tọa đàm, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình nhấn mạnh: “Du lịch golf là một ngành có tiềm năng lớn tại Việt Nam và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng này, cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, chiến lược truyền thông hiệu quả, và sự kết nối mạnh mẽ giữa các thành phần trong ngành du lịch. Việc tổ chức các sự kiện golf quốc tế và đẩy mạnh truyền thông sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế là điểm đến golf hàng đầu khu vực và thế giới.”