Ở miệt Hậu Giang nói riêng,ốngTăngchốngcảđsoi kèo ca la paz đồng bằng sông Cửu Long nói chung không thiếu kênh rạch, nhiều trong số đó mang sứ mệnh “chống giặc, giúp dân”. Đem câu chuyện này nói với Bảy Thắng (Nguyễn Văn Thắng), ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, thì ông nói với vẻ đầy tự hào: “Quê tôi có kênh Chống Tăng giúp dân, giúp cách mạng”.
Kênh Chống Tăng ngày nay.
Dòng kênh của khao khát hòa bình
Bình minh lên, ông Bảy Thắng cố ngồi dậy hướng mắt ra lộ nhìn những nụ hoa đua nhau khoe sắc chào đón mùa xuân mới.
Đã 80 tuổi rồi nên người ông mang nhiều bệnh tật, đi lại khó khăn, nhưng nét mặt rõ vui khi có người hỏi đến kênh Chống Tăng quê mình. Hồi đào con kênh này, ông Bảy tuổi đôi mươi, hăng hái tham gia công tác đoàn ở ấp.
Bảy Thắng kể, quê mình ngày trước từng có con kênh nhỏ, thời chiến loạn lạc ít được quan tâm cải tạo nên lâu dần bồi lắng, kênh cạn yều. Từ sau năm 1963, giặc nhiều lần dùng xe tăng càn quét trên con đường chính rồi băng qua kênh cạn này tìm diệt bộ đội ta đóng quân trên địa bàn xã Hỏa Lựu.
Không để địch tự do đi lại càn bắn bộ đội, coi thường sinh mạng đồng bào, bà con ngày đêm suy nghĩ cách cản bước chúng. Nhận thấy cách ở trên lộ thì chất cây cối cản đường, sông thì thả rơm hay dừa nước trôi đầy để quấn chân vịt, nhưng địch cũng có nhiều cách mở đường tấn công nên bà con nghĩ cách khác.
Trong một lần phát hiện xe pháo của địch càn qua mương lớn ì ạch leo lên, bộ đội và dân ta nảy ra ý hay, đó là đào con kênh lớn hơn chiếc xe vắt ngang đường chính, thế nào leo qua rồi chúng cũng… mắc lầy.
Cuối năm 1963, sau khi nghiên cứu, cán bộ cách mạng xã Hỏa Lựu quyết tổ chức đào một con kênh trên nền kênh cũ nhưng lớn hơn để ngăn xe pháo, chủ yếu là tăng. Cái tên kênh Chống Tăng ra đời từ đó.
Nhiều năm thống khổ vì lửa đạn quân thù, khát khao được hưởng hòa bình, tự do, khi nghe đào kênh để phục vụ cách mạng, bà con ai nấy góp sức. Ông Bảy kể, lúc cao điểm, có vài chục người tham gia; quá trình đào, giặc đến hỏi đào kênh làm gì, người dân nói để dẫn nước ngọt vào đồng ruộng.
Bộ đội và dân ta tính toán, để chống được tăng phải đào kênh có bề ngang 2m, gần bằng với chiều dài của một chiếc xe tăng, hòng khi chúng di chuyển qua sẽ lọt thỏm xuống và cũng khó leo.
Việc đắp đất bờ kênh cũng được tính kỹ, đó là dùng tất cả đất đào kênh để đắp cao bên bờ mà xe tăng phải leo lên. “Khi xe giặc lội xuống kênh đã bị lún sâu, rồi gặp phải bờ bên kia được đắp đất cao thì chúng rất khó vượt qua. Nhiều lần xe tăng của chúng cố vượt qua kênh nhưng không được. Kênh Chống Tăng đã góp phần cản bước xe tăng đi càn bắn bộ đội”, ông Bảy Thắng nhớ lại.
Nhỏ hơn ông Bảy Thắng vài tuổi nên ông Tám Nam (Nguyễn Trung Nam) nhớ nhiều chi tiết trong thời gian đào kênh này.
Ông Nam kể, quá trình đào kênh gặp không ít gian nan, nguy hiểm. Hiểu được ý đồ đào kênh của ta nên giặc bắn phá nhiều lần. Để tránh né, mọi người tranh thủ đào kênh vào buổi tối. Khi trời tờ mờ tối, mọi người hẹn nhau đốt đuốc, đốt rơm để tạo ánh sáng. Người này mệt thì người khác thay; vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, xua đi sự mệt mỏi.
“Khi đào kênh bắt được cá, lươn thì nướng ăn. Cái cảm giác đó đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Làm tới nửa khuya thì mọi người về nhà nghỉ và hẹn nhau ngày mai sẽ tiếp tục”, ông Tám Nam hồi tưởng.
Đầu năm 1964, kênh Chống Tăng dài khoảng 3km được đào xong trong niềm vui sướng của mọi người.
Theo ông Tám Nam, kênh Chống Tăng ra đời là thành quả từ sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ cách mạng ở địa phương với người dân. Cán bộ cách mạng đề ra chủ trương đào kênh rất đúng đắn, đồng thời làm tốt việc tuyên truyền, vận động đào đắp; còn người dân một lòng theo cách mạng nên không ngại hiểm nguy, góp sức đào kênh.
Ông Bảy Thắng (trái) kể về quá trình đào kênh Chống Tăng.
Chống cả đói nghèo
Đào kênh để dẫn nước ngọt vào đồng ruộng là câu trả lời vừa giả nhưng vừa thật của bộ đội và dân ta.
Thời khói lửa, kênh Chống Tăng ngăn bước quân thù, đến thời bình, giá trị mà dòng kênh này mang lại là cung cấp phù sa cho đất hóa “mẹ hiền” nuôi nấng nhiều thế hệ.
Sau ngày giải phóng, với sự phát triển của cơ giới hóa, kênh Chống Tăng được đào mở rộng, ngày nay rộng khoảng 10m.
Ông Bảy Thắng cho biết, thời bình, kênh góp phần rất lớn trong chống đói nghèo. Vai trò chống đói nghèo của con kênh này thể hiện trong việc rửa phèn, đưa phù sa và nước ngọt vào đồng ruộng. Kênh Chống Tăng thông với kênh Út Lờ, kênh Hóc Hỏa. Vào mùa khô, khi cống ngăn mặn Hóc Hỏa đóng lại, bịt kín không cho nước mặn vào kênh Chống Tăng. Khi ấy, dòng kênh này đóng vai trò trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân.
Gia đình ông Bảy Thắng có hơn 10 công đất ven kênh Chống Tăng. Ngày trước, đất ruộng nhà ông chỉ làm được 1 vụ lúa, năng suất không cao vì đất bị nhiễm phèn. Sau khi kênh Chống Tăng được mở rộng, việc dẫn nước ngọt, rửa phèn được hiệu quả hơn, góp phần tắm mát cho ruộng đồng.
Rồi ông Bảy Thắng và nhiều hộ khác ở xứ này bắt đầu làm 2 vụ lúa, sau đó chuyển qua trồng mía và giờ đây là trồng khóm. Trồng cây nào cũng phát triển tươi tốt, vì đất được bồi đắp phù sa, được cung cấp nước ngọt quanh năm từ kênh Chống Tăng.
“Nhờ chịu khó làm ăn trên diện tích hơn 10 công đất cặp kênh Chống Tăng mà tôi nuôi 9 người con khôn lớn. Con kênh này mang nguồn sữa ngọt nuôi lớn bao thế hệ, trong đó có gia đình tôi”, ông Bảy Thắng bộc bạch.
Gắn bó cả đời người ở vùng đất ấp Thạnh Quới 1 nên Năm Được (Lê Văn Được) hiểu được giá trị do kênh Chống Tăng mang lại.
Gia đình ông từng một thời nghèo khó vì ít đất, đông con. Ông từng trồng mía nhưng cuộc sống không khá lên được vì giá mía bấp bênh, nhiều lúc lỗ lã. 10 năm trở lại đây, gia đình chuyển sang trồng khóm và nó trở thành cây trồng mang lại sự “đổi đời”. Với 4 công trồng khóm, năm nào được mùa, trúng giá thì gia đình ông Năm Được có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, đến nay đã thoát nghèo.
“Kênh Chống Tăng nhiều năm nay rất bao dung, rộng lượng, mang chất ngọt phù sa cho cây trái tốt tươi. Nhiều người dân như gia đình tôi vẫn bám lấy đất, dựa vào nguồn “sữa ngọt” do kênh Chống Tăng mang lại để thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện”, ông Năm Được chia sẻ.
Ngày trước, khi lộ làng chưa phát triển, kênh Chống Tăng là tuyến giao thông thủy quan trọng để xuồng ghe đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tết đến, ông Năm Được bơi xuồng trên kênh để chúc tết xóm giềng, dòng họ. Ngày nay, xuồng ghe đi lại trên kênh thưa dần, vì ai cũng muốn đi xe cho nhanh chóng. Nhu cầu đi lại không cao nhưng ông Năm Được vẫn giữ chiếc xuồng nhỏ, coi đây như kỷ vật hoài niệm một thời gian khổ.
Kênh Chống Tăng còn là “bầu trời kỷ niệm” cho nhiều thế hệ, trong đó có người trẻ.
Anh Nguyễn Văn Khải (43 tuổi), ở ấp Thạnh Quới 1, lại nhớ tuổi thơ cùng anh em, bạn bè tắm sông, bắt cá. Đến giờ, anh còn giữ thói quen ấy, vì với anh, cảm giác được đắm mình trong vị ngọt phù sa của dòng kênh là món ăn tinh thần không thể thay thế.
Anh tự hào vì từng nghe cha kể về sự đóng góp của kênh Chống Tăng cho cách mạng. Giống như cha mình, anh quyết bám lấy mảnh đất quê hương, gắn chặt đời mình với dòng kênh ấy. “Tôi từng nghĩ, kênh Chống Tăng góp phần nuôi sống đời cha tôi và nhiều người khác thì tới đời tôi chắc cũng vậy. Thế là tôi ở lại quê hương để sinh sống, làm ăn. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi dù chẳng giàu có nhưng không phải lo cái ăn cái mặc, không phải bôn ba đi làm ăn xa như nhiều người khác”, anh Khải chia sẻ.
Với 6 công đất trồng khóm, lợi nhuận mà gia đình anh Khải thu được hàng năm là 70-80 triệu đồng. Thu nhập ổn định, vợ chồng anh đủ sức lo chuyện học hành của các con.
Có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống, làm ăn dọc theo 2 bờ kênh Chống Tăng, trong số này chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Những hộ này nghèo vì không có đất sản xuất hoặc bị già yếu, bệnh tật mất sức lao động; chỉ cần ít đất như gia đình ông Năm Được, anh Khải mà chịu khó làm ăn thì sẽ không lo đói nghèo, vì Chống Tăng luôn bồi đắp phù sa màu mỡ - đất không phụ lòng người!
Kênh Chống Tăng nay đổi khác. Trước mưu mô, gồng mình dìm giặc, nay hiền hòa, thân thương, thêm chan chứa nghĩa tình. Một con kênh đã trở thành “huyền thoại” trong lòng nhiều thế hệ người dân Thạnh Quới 1…
Chống Tăng chống cả đói nghèo; chống tăng đã đem đến niềm tin và chiến thắng, hy vọng tương lai tươi sáng hơn trong tương lai!
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN