Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Ảnh: TL |
"Lực lượng nòng cốt" của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đánh giá hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW (Nghị quyết 09) của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 41-NQ/TW (Nghị quyết 41) nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, những đánh giá này cho thấy Bộ Chính trị đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Tại Nghị quyết 09, chúng ta đặt mục tiêu mong muốn là có những doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam ở tầm khu vực. Tuy nhiên, tổng kết hơn 10 năm qua, chúng ta đã có những doanh nhân vươn tầm thế giới. Nhiều doanh nghiệp không chỉ phát triển mạnh, có uy tín trên quốc tế mà còn đầu tư nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp ra các nước trong khu vực và thế giới.
“Tổng thống Biden vừa qua khi làm việc đáng giá rất cao các doanh nghiệp của chúng ta đầu tư ở các nước phát triển. Đó là sự khẳng định về kết quả” - ông Đỗ Ngọc An nói.
Nghị quyết cũng đánh giá trong những năm qua, doanh nhân Việt Nam không chỉ đóng góp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tạo điều kiện để doanh nhân tham gia các cơ quan dân cử Trong các nhiệm vụ được nêu để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, Nghị quyết 41 nêu rõ: tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Nghiên cứu, ban hành chính sách động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. |
Từ những đánh giá trên, xác định bối cảnh trong nước và thế giới thời gian tới còn rất nhiều biếnđộng khó lường, đất nước đang bước vào thời kỳ mới, hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm kỷ niệm 100 năm Thành lập nước, Nghị quyết 41 đã khẳng định quan điểm đội ngũ doanh nhân “là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập về quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng an ninh”.
Đây là một trong những điểm mới quan trọng so với Nghị quyết 09 trước đây, khi doanh nhân được xác định là “lực lượng nòng cốt”. Nghị quyết cũng nêu rõ, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không phải là chỉ riêng trách nhiệm của doanh nhân mà còn là trách nhiệm hệ thống chính trị.
Tạo môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng
Với các quan điểm này, Nghị quyết 41 đã nêu rõ các mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng giai đoạn, đi cùng với đó là 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Một trong các nhóm nhiệm vụ được nêu rõ là “hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến”.
Nhấn mạnh cụm từ "an toàn và bình đẳng", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong kinh doanh luôn có rủi ro, do đó rất cần thiết phải tạo môi trường an toàn. Đồng thời, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân... Điều này phải được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ để triển khai.
Trong đó, Nghị quyết 41 cũng nêu: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…”.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba được nêu tại Nghị quyết 41 cũng là các điểm mới quan trọng khi nêu rõ: “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt các một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.
Đồng thời, “có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp”.
“Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã” - nghị quyết nêu rõ.
Từ những tinh thần mới, nội dung mới, cùng với việc thực hiện xuyên suốt các tư tưởng của các Đại hội Đảng từ Đại hội 10, 11, 12 13 trong phát triển kinh tế nói chung, trong xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói riêng và với sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các doanh nhân của cả nước, Nghị quyết 41 được kỳ vọng sẽ từng bước đi vào cuộc sống, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp phần đưa đất nước đạt được mục tiêu mới trong thời kỳ mới.
ÔNG PHẠM TẤN CÔNG, CHỦ TỊCH VCCI:
Tin vui lớn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
Ông Phạm Tấn Công |
Một niềm vui lớn, một “món quà hết sức đặc biệt” đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.
ÔNG TRẦN BÁ DƯƠNG - CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN TRƯỜNG HẢI:
Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nhân
Ông Trần Bá Dương |
Tôi rất tâm đắc với các nội dung trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đội ngũ doanh nhân rất phấn khởi khi Nghị quyết mới tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân và đề cao hơn, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Vai trò, vị thế của doanh nhân trong thời kỳ mới được khẳng định trong Nghị quyết cùng với vị thế của đất nước đã được nâng cao trên trường quốc tế. Tinh thần Nghị quyết cũng xác định việc phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Tôi nhận thấy rằng, đó là trách nhiệm của chính mỗi doanh nhân, doanh nghiệp./.