Ánh mắt hiền hậu, giọng nói vừa khẳng khái vừa mang chút hùng hồn và hào sảng, ông Thơ làm những người đối diện không thể rời câu chuyện ông đang kể.
Mấy mươi năm đã đi qua vậy mà ông Thơ vẫn nhớ như in cái màn khói lửa của chiến tranh đã cướp đi một bên chân của ông. Rồi miên man theo miền hồi ức không thể lãng quên, ông mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh vừa đau thương nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người lính Cụ Hồ trên đất bạn.
Vợ chồng ông Thơ hạnh phúc bên cậu con trai út. |
Ông Thơ kể lại: “Tham gia vào chiến trường K những năm 1977-1979 để chống lại bọn Pol Pot và bảo vệ chính quyền của nước bạn (Campuchia), lúc đó tôi và đồng đội luôn phải đối mặt với nguy hiểm và có khi là những cái chết bất ngờ nhưng anh em chiến sĩ mình vẫn một lòng quyết tâm cao. Đồng đội tôi không ít người đã ngã xuống tại chiến trường, riêng tôi lại may mắn, tuy đôi chân không còn nguyên vẹn nữa nhưng dù sao cũng sống sót trở về”.
Trong chiến trường ác liệt, dấu tích của chiến tranh theo ông Thơ trở về cuộc sống đời thường. Với tỷ lệ thương tật là ¼, người lính năm xưa vẫn phải tiếp tục mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Năm 1993, ông được Nhà nước cấp gần 2 ha đất, và vượt qua mặc cảm của thương tích trên cơ thể, ông Thơ cưới vợ và xây dựng cuộc sống như bao người bình thường khác.
Hạnh phúc vỡ oà hơn khi 4 cô con gái và cậu con trai út của vợ chồng ông Thơ lần lượt chào đời. Từ đó, người lính Cụ Hồ càng có niềm tin và động lực để phấn đấu hơn.
Nhìn cậu con trai út khoẻ mạnh hồn nhiên, ông Thơ xúc động: “Những ngày đầu mới trở về, tôi gặp không ít khó khăn. Chân thì cụt, sức khoẻ lại yếu, việc đi lại đã khó nói chi đến việc lao động kiếm tiền. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, động viên của gia đình và bà con, bản thân mình càng vững vàng hơn. Từ đó tôi quyết tâm chí thú làm ăn trên mảnh đất hoang sơ này và chắt chiu đồng tiền để nuôi các con ăn học”.
Kiên cường là vậy, thế nhưng khi kể về hành trình nuôi các con ăn học, xây dựng hạnh phúc gia đình, trong ánh mắt của người lính anh dũng năm nào lại rơm rớm nước mắt. Ông Thơ bùi ngùi: “Xưa đâu có điều kiện như giờ, cuốn sổ lương thương binh hằng tháng vợ chồng khổ mấy cũng không dám động vô, chỉ để dành cho mấy đứa nhỏ học ở xa. Lây lất qua ngày vậy mà tụi nó cũng học hành đến nơi đến chốn. Căn nhà này cũng là nhà mấy đứa con tôi đi làm rồi tích góp, cộng thêm số tiền được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vận động quyên góp, vợ chồng tôi mới có được căn nhà khang trang như vậy”.
Đưa mắt nhìn quanh một lược căn nhà, mấy tấm hình và hàng giấy khen được đóng khung kỹ càng và treo ngăn nắp, ông Thơ giới thiệu từng cô con gái với vẻ đầy tự hào, đứa tốt nghiệp Cử nhân Kế toán kinh tế, đứa Đại học Kinh tế Ngoại thương, đứa Đại học Ngân hàng. Trong 4 cô con gái thì hết 3 cô được học đại học và có việc làm ổn định, riêng thằng "út mót" ở nhà đang chuẩn bị vào lớp 4 cũng là niềm hy vọng của vợ chồng ông Thơ. “3 đứa con gái đều ổn định công việc là niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi lúc tuổi già”, ông Thơ mãn nguyện.
Từ những nỗ lực vượt qua khó khăn và trách nhiệm trong công việc, ông Thơ tạo được tín nhiệm trong bà con hàng xóm và là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của Ấp 18. Bằng nghị lực của bản thân, ông Thơ đã truyền cảm hứng cho những người cựu chiến binh tại địa phương, năng nổ lao động, dẫn phong trào hội ngày càng đi lên. Những hàng cây xanh trước ngõ được Hội Cựu chiến binh của ấp vận động thực hiện, góp phần làm cho miền quê nghèo có thêm sức sống.
Chiến tranh đã đi qua, có những sự hy sinh, những vết thương mãi hằn sâu theo năm tháng. Nhưng người cựu chiến binh ấy đã vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống, làm giàu đẹp cho quê hương xứ sở. Những người lính Cụ Hồ như ông Thơ chính là tấm gương sáng giữa đời thường để chúng ta tự soi rọi./.
Kim Chi