【ty so trực tuyến】Nhớ cái Tết ở cửa khẩu Lao Bảo ngày ấy

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo khởi sắc ngày đầu năm
Bất thường 7 lô lợn sống nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lao Bảo diễn ra ổn định
Nhớ cái Tết ở cửa khẩu Lao Bảo ngày ấy
Lực lượng Hải quan và Biên phòng sát cánh bên nhau làm nhiệm vụ ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tranh thủ đọc Tạp chí Hải quan trong những phút nghỉ ngơi. Ảnh tư liệu

Người nhập cảnh nghề nghiệp không giống nhau, cán bộ công chức, công nhân, người lao động tự do làm đủ thứ việc bên Lào lũ lượt về quê ăn Tết với gia đình, họ không quên mang theo những thứ đặc sản sẵn có của nước bạn: nếp rẫy, gạo dẻo thơm, đậu xanh, nấm mèo, thịt bò sấy, măng khô… đặc biệt là những cành mai vàng đang còn ủ nụ nhỏ xíu được gói cẩn thận bằng một lớp bao tải mỏng, xếp cẩn thận trên nóc xe. Do lượng xe và người nhập cảnh tăng , nên cán bộ chiến sĩ Trạm Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (nay gọi là Chi cục) được tăng cường thêm quân số phía cửa khẩu nhập cảnh để kiểm tra phương tiện và hàng hóa nhanh chóng được thông quan, không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa và phương tiện, tạo thông thoáng trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Vì vậy, các đối tượng xuất nhập cảnh rất hài lòng trong cách thực thi nhiệm vụ năng động của cán bộ chiến sĩ Hải quan.

Một năm làm việc quần quật với những tháng mưa dầm triền miên, những ngày mùa Hè gió Lào thổi nóng như nung rồi cũng qua đi, nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp đang về. Chiều 23 tháng Chạp tiễn sớm ông Công, ông Táo về trời và tổ chức bữa cơm Tất niên thân mật cho anh em trong đơn vị và cũng để hôm sau tiễn 1/2 quân số được về quê ăn Tết. Cứ 2 năm mỗi cán bộ chiến sĩ được thay nhau về nhà ăn tết một lần, đa số anh em nhà ở Quảng Trị, số ít còn lại ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng. Bữa cơm cuối năm ai nấy bỗng thấy trong lòng bâng khuâng khó tả. Người được về Tết thì nôn nao muốn được về sớm. Người ở lại trực cửa khẩu không giấu được nỗi nhớ cha mẹ, vợ con đang chờ mình ở nhà, nhưng nhiệm vụ đã được phân công phải hoàn thành.

Năm ấy là năm 1987, tôi cùng với 11 cán bộ chiến sĩ trực Tết ở đơn vị. Ngày 24 tháng Chạp, phân công 12 người chia thành 2 ca trực ở cửa khẩu, (ngày lẻ ca 1 làm buổi sáng từ 7h đến 11h và làm buổi chiều từ 14h đến 17h. Ngày chẵn ca 2 làm buổi trưa, từ 11h đến 14h). Cứ vậy 2 ca thay nhau trực trong những ngày Tết ở cửa khẩu cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh diễn ra bình thường. Đó là công tác chuyên môn nghiệp vụ, cũng là nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Còn về khâu “hậu cần” chuẩn bị cho đơn vị đón Tết, nhân lực huy động tối đa, những người không trực ca ở cửa khẩu mỗi người mỗi việc. Nhóm bắt lợn trong chuồng làm thịt (một nhóm chỉ 2 người). Nhóm gói bánh chưng. Nhóm đi chợ mua thực phẩm, 5 loại quả cây cúng, mứt gừng, kẹo bánh, rượu chanh, thuốc lá (cho khách thăm). Nhóm vệ sinh đơn vị quét dọn sạch sẽ từ trong ra ngoài, trang hoàng hội trường đẹp đẽ, chuẩn bị dầu xăng đầy đủ để chạy máy phát điện. Phía trong hội trường thay lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng mới tinh, bên dưới là tượng Bác Hồ bằng đá thạch cao.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị hòm hòm, không khí Tết đang đến rất gần nhưng bình hoa mai còn trống không, định bụng sáng mai 26 tháng Chạp cử hai chiến sĩ đến chợ Tân Phước mua, bỗng Trưởng bản Hồ Xuôi xuất hiện thay mặt dân bản Ka Tăng đến tặng một cành mai rừng thật đẹp và độc đáo, cành mai mang hình “ngũ long”. Trưởng bản đã 70 mùa trăng, khuôn mặt xạm đen khắc khổ trầm tư chậm rãi nói với chúng tôi như người có lỗi: “Bản miềng năm ni ông trời không thương nên bị bắt mất mùa, vì nương lúa héo khô do nắng nóng như thiêu, nuôi heo gà cũng không to được. Trong năm qua Trạm Hải quan chữa bệnh cho bà con trong bản miềng từ trẻ đến già mà không lấy tiền và còn giúp rất nhiều thứ nữa, nay Tết đến mà bà con không có nếp rẫy, thịt heo để mang cho cán bộ ăn Tết. Dân bản miềng chỉ có cành mai rừng này tặng thôi!.”… Giọng ông rưng rưng, làm cho anh em chúng tôi thật sự cảm động trước tấm lòng mộc mạc, chân tình của đại diện bà con dân bản Ka Tăng.

Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bà con dân tộc Vân Kiều một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, gùi súng đạn cho bộ đội chủ lực tiêu diệt kẻ thù, không nề hà gian khổ hy sinh đến tính mạng. Những lúc năm hết, Tết đến tấm lòng đến với tấm lòng thêm mặn nồng hơn. Chúng tôi là những người “xóm giềng” của bản, kể từ cái buổi sơ khai khi Trạm Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Quân số ban đầu đếm chưa đủ trên mười đầu ngón tay. Ngày ấy hoạt động xuất nhập khẩu chỉ mới manh nha, chưa có xe ô tô thường xuyên qua lại cửa khẩu; chỉ có xe bộ đội thuộc sư đoàn 968 và 354 qua về làm nhiệm vụ quốc tế. Từ bến xe Đông Hà cán bộ chiến sĩ đón xe đò lên Khe Sanh, rồi khoác ba lô trên lưng cuốc bộ lội ngược con đường 9 đèo heo hút gió, lởm chởm đá hộc để về đơn vị xa hơn 20 cây số. Dân cư dọc hai bên đường thưa thớt, bản làng đìu hiu, vắng vẻ. Với tinh thần có “an cư mới lạc nghiệp”, anh em bắt tay dựng lán trại bằng tranh tre nứa lá bên bờ suối Ka Tăng, Trưởng bản biết được cho bà con ra làm giúp. Trạm hết gạo, dân bản gùi khoai sắn, chuối xanh ra cho… Kể sao cho hết “cái buổi ban đầu” gian khổ, thiếu thốn ấy. Rồi nhiều thứ bệnh lạ xuất hiện, nhất là bệnh sốt rét ác tính hoành hành. Do ăn uống kham khổ, thời tiết nghiệt ngã, thiếu thức ăn tươi và rau xanh nên anh em dễ đổ nhiều thứ bệnh. May nhờ có thuốc bằng rễ và lá cây rừng của bà con nên bệnh tật thuyên giảm phần nào trước khi đi bệnh viện Khe Sanh điều trị. Được cán bộ chiến sĩ giác ngộ, phần lớn bà con dân bản làm tai mắt cho Hải quan phục bắt những vụ gùi cõng hàng lậu đi qua khu vực của bản.

Cành mai khi cắm vào bình, năm nhánh mai như năm con rồng uốn mình dũng mãnh, chúm chím chi chít những nụ hoa chờ thời khắc giao thừa nở những bông hoa tinh khôi tặng riêng cho cánh lính Hải quan vùng biên. Giống mai này hoa nhiều hơn lá, hoa nở vàng tươi óng ánh như hoa cúc mỗi độ thu về.

Tấm lòng chúng tôi đối với dân bản có đáng kể gì đâu. Giúp đỡ gia đình nghèo khổ, những người già cô đơn không nơi nương tựa; chữa bệnh cho bà con những lúc ốm đau. Đoàn thanh niên cơ quan vận động, thuyết phục kiên trì nên mấy năm trở lại đây các đôi trai gái cưới xin đã theo nếp sống mới; không còn nạn tảo hôn; không còn tục ma chay; cảnh tin thầy mo hơn tin thầy thuốc cơ bản đã được chấm dứt. Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và tết Trung thu hàng năm, Đoàn Thanh niên sắm đèn ông sao, quà bánh và tổ chức cho các cháu vui chơi ca hát.

Đêm 30 Tết, đất trời Lao Bảo thơm ngát hương rừng quyện với hương Xuân. Cán bộ chiến sĩ ở lại trực tết quây quần trong hội trường ăn bánh, uống trà, ngắm hoa mai nở đợi phút giao thừa để nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Bỗng vẳng tiếng cười nói vui vẻ ngoài cổng vọng vào. Nhanh như cơn gió rừng, hơn trăm người dân bản Ka Tăng áo quần bảnh bao nhiều màu sắc, vui vẻ ào vào đón giao thừa với cán bộ chiến sĩ trực Tết ở đơn vị, do vậy chúng tôi cũng đỡ phần trống trải và đỡ chạnh lòng nhớ Giao thừa ở quê nhà.

Bánh chưng, rượu, thịt được dọn ra một dãy bàn dài trong hội trường. Trong đêm Giao thừa, cành mai lặng lẽ dâng hoa nở 12 cánh vàng xinh óng ánh. Chủ và khách cụng ly, nói chuyện, hát ca vui vẻ cho đến khi cái nắng đầu năm mới ấm áp hừng lên ở phía đàng Đông. Trước khi chia tay cán bộ chiến sĩ Hải quan, Trưởng bản Hồ Xuôi thay mặt dân bản giọng bùi ngùi: - Ôi, tui thay mặt dân bản xin lỗi anh em, định bụng vô đón Giao thừa xong thì về, ai ngờ vui đến sáng nên đã làm phiền anh em quá. Trạm trưởng Đoàn Xuân Thủy vui vẻ, cười nói: - Ô, không đâu Trưởng bản ơi, được bà con dân bản yêu thương, quý mến đến đón Giao thừa với chúng tôi thì vui quá, vui quá… Rồi anh em bắt tay tiễn từng người ra về trong làn gió Xuân nhè nhẹ sáng mồng 1 Tết và không quên lì xì mừng năm mới với những chiếc phong bì đo đỏ xinh xinh, cầu mong cho dân bản Ka Tăng năm mới nương rẫy trĩu nặng hạt lúa, lợn đông đúc núc ních trong chuồng, gà vịt đầy sân.

Sau này, Nhà nước xây dựng và phát triển dự án Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, hơn 50 hộ dân bản Ka Tăng cũ sinh sống gần khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trong diện quy hoạch, số hộ này đã chấp hành di dời, tái định cư sống quây quần phía trong chân núi Ka Tăng. Vào nơi ở mới, với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhà cửa kiên cố mọc lên san sát, con đường trải nhựa phẳng lì ra tận trung tâm thị trấn. Nay bản làng đẹp và khang trang không khác gì phố sá, cuộc sống đầy đủ nên ai cũng vui và ưng cái bụng lắm…

Dù đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in một trong những cái Tết đậm đà tình “quân dân” giữa bà con bản Ka Tăng và cán bộ chiến sĩ Trạm Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo năm ấy… Ôi nghĩa tình làm sao!