Mô hình giao dịch viên chuyên sâu quy định riêng biệt quy trình tiếp nhận, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán và trả kết quả cho đơn vị giao dịch đối với chi đầu tư, chi ban quản lý dự án của các dự án đầu tư và chi thường xuyên. Với mô hình này, KBNN tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp tinh gọn đầu mối quản lý theo hướng đơn giản hóa và phù hợp với cơ chế, chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách khi giao dịch với kho bạc.
Làm tốt khâu chuẩn bị
Ngay khi nhận được thông báo, là 1 trong 2 đơn vị triển khai thí điểm mô hình giao dịch viên chuyên sâu, KBNN Hải Phòng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt đến toàn thể công chức trong đơn vị về chủ trương điều chuyển nhiệm vụ giữa Phòng Kế toán Nhà nước và Phòng Kiểm soát chi. Đồng thời nắm bắt tâm lý và ổn định tư tưởng công chức đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Căn cứ khối lượng công việc, KBNN Hải Phòng đã xây dựng phương án và bố trí, sắp xếp công chức phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và trình độ, khả năng công tác của công chức, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, KBNN Hải Phòng đã sắp xếp, bố trí máy móc thiết bị, phương tiện làm việc đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới và không ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Song song với đó, KBNN Hải Phòng đã báo cáo UBND thành phố và các đơn vị giao dịch về sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp nhân sự và thay đổi đầu mối tiếp nhận, trả kết quả kiểm soát chi tại KBNN Hải Phòng.
Cũng như Hải Phòng, để triển khai thí điểm mô hình giao dịch viên chuyên sâu, KBNN Thái Nguyên cũng có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc bố trí, sắp xếp công chức giữa 2 phòng Kiểm soát chi và Kế toán Nhà nước. Đồng thời, KBNN Thái Nguyên đã sắp xếp chỗ làm việc, thiết bị tin học theo hướng dẫn của KBNN để đảm bảo giao dịch theo mô hình mới ngày từ ngày thực hiện thí điểm đầu tiên (15/6/2020).
Mô hình mới giúp giảm các bước thao tác
Sau 1 tuần thực hiện thí điểm, theo đánh giá chung của KBNN Hải Phòng và KBNN Thái Nguyên, mô hình giao dịch viên chuyên sâu tốt hơn, giảm các bước thao tác nên đã rút ngắn quy trình kiểm soát, giúp cho công tác kiểm soát được chuyên môn hóa hơn.
Trước đây, theo quy trình kiểm soát cũ sẽ phải mất 2 người. Cụ thể, giao dịch viên sẽ nhận hồ sơ, chứng từ của khách hàng thực hiện kiểm soát chi, sau đó bàn giao hồ sơ, chứng từ cho kế toán viên để áp thanh toán với ngân hàng. Nhưng với mô hình giao dịch viên chuyên sâu hiện nay thì chỉ cần 1 người. Theo đó, 1 giao dịch viên sẽ làm từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, tức là sẽ nhận hồ sơ của khách hàng, thực hiện kiểm soát, nhập vào máy và cuối cùng thực hiện áp thanh toán với ngân hàng.
Phó Giám đốc KBNN Thái Nguyên- bà Nguyễn Thị Bảo Hường cho biết, với mô hình mới này, Phòng Kiểm soát chi sẽ chỉ thực hiện kiểm soát nguồn vốn đầu tư. Còn nguồn vốn chi thường xuyên, chi vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, chi cải tạo sửa chữa… sẽ do Phòng Kế toán Nhà nước thực hiện. Theo đó, số lượng công chức tại Phòng Kiểm soát chi sẽ giảm đi theo số lượng công việc, và được chuyển sang Phòng Kế toán.
Theo báo cáo từ KBNN Thái Nguyên, 1 tuần triển khai thí điểm, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý thành công trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), trên các phân hệ AP (phân hệ quản lý chi) 1.940 chứng từ với số tiền đã thanh toán trên 110 tỷ đồng; trên GL (phân hệ sổ cái) 682 chứng từ với số tiền đã thanh toán 1.066 tỷ đồng (bao gồm cả các bút toán qua hệ thống quản lý thu NSNN); qua PO (phân hệ cam kết chi) 17 chứng từ và 1.717 chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến. Mọi hoạt động diễn ra bình thường, quy trình thí điểm vận hành ổn định, các vướng mắc phát sinh đã được đội hỗ trợ của KBNN giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo từ KBNN Hải Phòng và Thái Nguyên, việc thực hiện thí điểm hiện vẫn còn một số vướng mắc cần khắc phục. Đơn cử như về chế độ kiểm soát chi thường xuyên, hiện các thông tư hướng dẫn (Thông tư 161/2012/TT- BTC, Thông tư 39/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính) vẫn còn hiệu lực thi hành nên hồ sơ, thủ tục kiểm soát chi thường xuyên còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Đối với kiểm soát thanh toán cá nhân, ngoài bảng thanh toán đối tượng thụ hưởng thì đối với các danh sách thanh toán cá nhân như: Danh sách những người hưởng lương do thủ trưởng đơn vị ký duyệt; danh sách những người hưởng tiền công lao động thường xuyên theo hợp đồng; danh sách những người được tiền thưởng, tiền phụ cấp, tiền trợ cấp…vẫn được các đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến KBNN, do đó, công chức kiểm soát chi đã mất nhiều thời gian để thực hiện kiểm soát.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN, Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp). Tuy nhiên trong thực tế, có trường hợp hợp đồng của chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật có trước khi có kế hoạch vốn giao cho dự án (do theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính, các dự án thanh toán kế hoạch vốn năm phải có quyết định phê duyệt trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.
Hay như hiện vẫn chưa có quy định về các chứng từ, hồ sơ nào trong kiểm soát, thanh toán chi thường xuyên áp dụng hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và các bước, nội dung của kiểm soát sau…
Theo đó, để khắc phục những vướng mắc giúp cho mô hình giao dịch viên chuyên sâu vận hành tốt, tiến tới triển khai trên diện rộng toàn quốc, KBNN Hải Phòng, KBNN Thái Nguyên đã đề nghị KBNN có những hướng dẫn cụ thể về nội dung kiểm soát chi thanh toán cá nhân (kiểm soát những nội dung gì, cách thức kiểm soát). Đồng thời, KBNN cần có những hướng dẫn việc xử lý các tình huống trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kho bạc, cụ thể là tình huống phạt tiền đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt như đã nêu trên.
Vân Hà