Cận cảnh 15 khẩu pháo phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt": Chạm vào dòng chảy của lịch sử dân tộc Nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ |
Sự chỉ đạo chiến lược
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc,ếnthắngĐiệnBiênPhủBảnanhhùngcacủachiếntranhnhândâpatriotas vs gần biên giới Việt – Lào, nằm trên ngã rẽ của nhiều tuyến đường lớn, nhỏ quan trọng. Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân, không quân rất lợi hại, trong âm mưu xâm lược của thực dân Pháp ở vùng Đông Nam Á.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. Ảnh tư liệu |
Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16 nghìn quân với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.
Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác, khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng uỷ kiêm chỉ huy mặt trận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc của chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.
Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào, đều dồn sức người, sức của với hơn 260 nghìn dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần, phục vụ chiến dịch.
Bộ đội kéo pháo qua dốc núi vào vị trí chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu |
Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết, sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Song, nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng.
Đợt 1, từ ngày 13/3-17/3/1954, quân ta mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm.
Đợt 2, từ ngày 30/3-26/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.
Đợt 3, từ ngày 1/5-7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tấn công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17h30 phút, ngày 7/5/1954, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang quân dụng của địch.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX; và đi vào lịch sử như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Chiến thắng từ quyết định lịch sử
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sự Quân sự Việt Nam nhận định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được tạo ra bởi nhiều nhân tố, trong đó quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một trong những nhân tố quyết định quan trọng.
Theo đó, ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, Bộ chỉ huy Mặt trận triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo phương châm tác chiến này, ta tập trung ưu thế binh hỏa lực, nhằm vào chỗ hở sườn nhất của địch, đánh thốc thẳng vào trung tâm Mường Thanh, tạo thế chia cắt, cô lập và tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch… tạo nên sự chuyển biến tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
Tuy nhiên, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh từng ngày. Tại thời điểm diễn ra hội nghị Thẩm Púa, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên thực tế đã không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó mà bảo đảm “chắc thắng”, chính vì vậy mà rạng sáng ngày 26/1/1954, sau một đêm thức trắng, trên đầu còn quấn lá ngải cứu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phiên dịch Hoàng Minh Phương đã sang hầm của Đoàn cố vấn Trung Quốc.
Sau khi bàn bạc, trao đổi và thuyết phục Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, với tinh thần trách nhiệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến; đồng thời ra lệnh hoãn giờ nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc".
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: HQ |
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long cho hay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần khẳng định rằng quyết định thay đổi phương châm tác chiến và cơ sở hình thành phương châm “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đặc biệt là những lời huấn dụ ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa nội dung tư tưởng lớn mà Đại tướng lĩnh hội được từ Người trong buổi gặp ở Khuổi Tát và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”.
Nhấn mạnh thêm, theo Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, thực tế lịch sử đã chứng minh cho thấy quyết định thay đổi phương châm tác chiến là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Nó thể hiện bản lĩnh, khả năng phân tích tình hình và trách nhiệm của tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và cá nhân Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp; thể hiện sự thấm nhuần và thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” trước khi bước vào một trận đánh lớn.
“Quyết định cực kỳ quan trọng này tuy là của tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huychiến dịch và có sự tham khảo ý kiến của Cố vấn Trung Quốc, nhưng nó mang đậm dấu ấn của Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp”- đại tá Trần Ngọc Long nêu.
Trong di sản tư tưởng quân sự Việt Nam, theo Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long “đánh chắc thắng” là tư tưởng bất biến; việc lựa chọn cách đánh sao cho phù hợp chính là sự “ứng vạn biến”. Đó là vấn đề mang tính quy luật và quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những trường hợp như vậy. Đây được coi là một "quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử".
Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Và sức mạnh, ý chí, sự hy sinh to lớn của nhân dân
Ngay từ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.
Nhân dân ta từ nông thôn, đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng ngoài mặt trận.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bao nhiêu hạt thóc cuối cùng đều được nhân dân huy động đưa lên chiến trường". Ảnh: HQ |
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, khi thực dân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ, một vùng đất hẻo lánh, vùng núi hiểm trợ phía Tây Bắc đất nước, thực dân Pháp hy vọng rằng nếu Việt Minh chấp nhận một cuộc đương đầu sẽ thất bại vì trong tay không có phương tiện, vũ khí; và nếu huy động lực lượng lớn quân đội lên chiến trường Điện Biên Phủ thì hậu cần sẽ là một gánh nặng rất lớn.
Nhận thức được vấn đề đó, theo ông Dương Trung Quốc, khi tiến hành đối đầu chiến lược ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cả nước đánh giặc. Vì thế, chúng ta phải thấy rằng, chiến trường Điện Biên Phủ nằm trong tổng thể của chiến trường Đông Dương.
Khi tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng chuyên trách hậu cần, huy động nguồn lực quân đội, sự hỗ trợ về vũ khí của bàn bè quốc tế, thế nhưng quan trọng nhất là nguồn lương thực, bởi muốn có một lực lượng quân đội lớn để tiến hành một chiến dịch dài ngày phải có lương thực, phải có cái ăn ngoài đạn dược.
“Đây là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của đối phương. Sau này, khi thất bại ở Điện Biên Phủ, người Pháp mới nhận ra và hiểu thế nào là chiến tranh nhân dân. Đó là ngoài những người trực tiếp cầm súng, còn là cả một hậu phương lớn”-ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân thần kỳ. Ảnh: HQ |
Nhà sử học Dương Trung Quốc dẫn chứng, Thanh Hoá là một trong địa phương đã huy động nhiều nhất về nhân lực, vật lực cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, Thanh Hoá có rất nhiều người dân bị chết đói, điều này cho thấy sự hy sinh rất to lớn của nhân dân, sự dốc sức của hậu phương cho tiền tuyến. “Thời kỳ đó, bao nhiêu hạt thóc cuối cùng đều được nhân dân huy động đưa lên chiến trường”- ông Dương Trung Quốc nói.
“Nhấn mạnh sự cống hiến, hy sinh này, để thấy đặc điểm của chiến tranh nhân dân Việt Nam, điều mà kẻ thù không bao giờ tính toán nổi; là một trong những nhân tố thể hiện tinh thần cách mạng, tình yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, kiên cường, sẵn sàng hy sinh của nhân dân. Sức mạnh nhân dân đã trở thành truyền thống của dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử”-Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách. Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. |