Trong nhóm 5 đứa cùng học và chơi với tôi hồi cấp 2,ườithắplửbang xep hang 2 y chỉ duy nhất có tôi là bị lọt sàng, đến cả trường bán công cũng không đủ điểm vào. Tôi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên học cũng vì không muốn ba mẹ suốt ngày cằn nhằn về việc có một thằng con trai chỉ biết theo bạn bè ăn chơi lêu lổng, chẳng làm nên trò trống gì.
Thực ra trước đây, tôi đã từng là một học sinh giỏi, từng được khen ngợi, tuyên dương. Nhưng kể từ khi ba nghiện rượu, tôi đâm ra chản nản, buông xuôi. Những buổi học trên lớp, tôi luôn là đứa khiến thầy cô phải bận tâm, đau đầu nhiều nhất. Kiểm tra bài cũ, tôi chưa một lần thuộc. Đứng dậy đọc bài, tôi không biết bài đó nằm ở trang nào. Những giờ sinh hoạt lớp, dẫu bị kiểm điểm, phê bình, tôi cũng chỉ cười gượng và chấp nhận hình phạt của giáo viên chủ nhiệm, của lớp.
Những ngày đầu vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tôi chẳng có cảm tình với thầy cô nào dạy trên lớp cũng như với ai. Không có bài giảng nào khiến tôi động lòng. Tôi bận lên facebook, ngủ gật, trốn tiết, xin ra ngoài,… Tôi chỉ nhớ mang máng một vài lời nhắc nhở, động viên và cả những lời quát nạt của thầy cô khi giận dỗi.
Duy chỉ có thầy Hiệp dạy sử, nhắc đến thầy, không chỉ lớp tôi, mà mấy lớp khác, đứa nào cũng phải sợ xanh mắt. Mấy giờ khác, tôi có thể ăn vận áo quần xộc xệch, có thể vào trễ 5, 7 phút, có thể xin ra ngoài khi chán học… Còn giờ sử, dẫu có đứa nào to gan lớn mật đến mấy, đứa nào cá biệt nhất cũng chỉ dám ngồi im lặng thu lu một đống. Đứa nào không học bài cũ, thầy cho cầm vở xuống cuối lớp đứng, khi nào thuộc, trả bài rồi về chỗ. Đứa nào không ghi bài, thầy yêu cầu viết bản tường trình, kiểm điểm, chép phạt, đem về cho ba mẹ kí rồi nộp, thầy mới cho học tiếp… Bọn lớp tôi thường kháo nhau câu “Có một nỗi sợ mang tên thầy Hiệp”!
Biết tôi cá biệt nhất nhì trong lớp, thầy cũng đã đôi lần đánh tiếng. Dẫu sợ thầy nhưng tôi vẫn phớt lờ việc chuẩn bị bài hay học bài. Bỏ qua những “nội quy” của thầy, có lần trong giờ làm bài kiểm tra sử, tôi đã chuẩn bị sẵn “phao” cho mình. Tôi phân tích tình hình rất kĩ. Rằng trong các tiết kiểm tra, thầy chẳng khi nào dạo xuống cuối lớp. Trong khi đó, tôi lại ngồi bàn thứ hai từ dưới lên. Tôi mừng thầm. Với một thằng biếng học như tôi thì đây là chỗ ngồi lý tưởng nhất. Tài liệu đã sẵn sàng. Chỉ chờ thầy ra đề là alê!
Vừa mới nhận đề, tôi liếc mắt dò ý tứ của thầy rồi bắt đầu “ngọ nguậy” dưới hộp bàn. Bất ngờ một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi. Như thường lệ, tôi chưa vội quay lại. Tôi lí nhí trong miệng “Mày đừng phiền tao, để tao kiếm 5 điểm”. Dù đã nói đến lần thứ ba, hành động bị vỗ vai vẫn cứ lặp lại. Tôi quay ngoắt lại định buông câu “Đ…m…” thì hỡi ôi, đó là thầy! Mặt tôi xanh xám. Tay chân run lẩy bẩy, miệng ngọng líu, giọng ấp úng … “Em… xin lỗi thầy”. Không nói gì, thầy chỉ lấy cuốn vở từ tay tôi rồi đem lên bàn. Từ đó, tôi hết phao bám víu. Như người sắp chết đuối. Tôi nhìn xung quanh, thấy đứa nào cũng say sưa làm, có đứa đã sang mặt giấy thứ hai. Tôi tiu nghỉu và bắt đầu vắt óc. Kệ! Nghĩ sao làm vậy. Nhớ được tí nào thì viết thế đó. Tay tôi “ngoáy” lia lịa và là người đầu tiên lên nộp bài.
Tiết sử của tuần sau đó, thầy trả bài. Nhìn vào bài kiểm tra của mình, con số 9 đỏ chót khiến tôi bỡ ngỡ. Tôi còn được thầy khen khả năng ghi nhớ, suy luận tốt. Cả lớp ồ lên. Còn tôi thì đỏ mặt. Tôi không nghĩ mình lại có thể làm bài tốt đến thế. Từ hôm đó, tôi trở nên chăm chỉ, không bỏ học, không lơ là, không chểnh mảng môn học của thầy và cả những môn học khác.
Cuối cấp, tôi thi và đủ điểm vào trường cao đẳng trên thành phố. Rồi ba năm học tập, ra trường, giờ tôi đã là một giáo viên dạy lịch sử bậc trung học cơ sở. Mỗi lần đứng lớp giảng bài, tôi lại nhớ thầy, nhớ về con điểm hào phóng mà thầy đặt nó trong bài kiểm tra của tôi, nhớ về niềm tin mà thầy đã đặt đúng vào lúc tôi cần.
Tôi nhớ sự nghiêm khắc nhưng điềm đạm; lạnh lùng nhưng đầy tình yêu thương, tâm lí ở thầy. Cảm ơn thầy, người đã tặng tôi niềm tin để tôi có được ý thức vươn lên trong cuộc sống.
Lê Xuyên