Chủ nhân của những dự án,ưởngthnhtừcuộcthikhởinghiệbong da y ta li a ý tưởng khởi nghiệp tại Hậu Giang mới bước ra từ cuộc thi năm nào nay đã trưởng thành, có những bước tiến trong gây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường.
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp là nơi các bạn trẻ trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, chủ doanh nghiệp.
Những cô giáo khởi nghiệp
Những ngày cuối năm âm lịch, chị Cao Thị Cẩm Nhung bận rộn hơn bao giờ hết, bởi ngoài những giờ dạy trên lớp chị còn sở hữu một “cơ ngơi” nho nhỏ là quán ăn vặt tại thành phố Ngã Bảy. Chị vui mừng thông báo tháng 12-2020 vừa rồi quán ăn vặt 8 Ngàn đã mở thêm chi nhánh 2 ở huyện Phụng Hiệp. Bước ra từ cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần 1 và thử sức ở các “sân chơi” lớn về khởi nghiệp cấp khu vực, chỉ trong một năm chị Nhung đã kịp tiến những bước vững chắc trên con đường khởi nghiệp và phát triển sản phẩm.
Chị Nhung bộc bạch: “Bước ngoặt trong năm qua có thể kể đến là tôi đã thành lập cơ sở riêng chuyên về các loại sốt gia vị. Những bài học quý giá có được từ sau cuộc thi khởi nghiệp, những cơ hội cọ xát và học hỏi từ các cuộc thi quy mô khu vực sau đó đã là bước đệm để tiếp tục hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm”. Khác với một năm trước là thay vì đầu tư dàn trải ra nhiều sản phẩm mới, chị tập trung hoàn thiện sản phẩm chủ lực nước sốt me. Thêm vào đó là chủ động mang sản phẩm đến giới thiệu ở nhiều hội chợ và triển lãm trong và ngoài tỉnh. Chị cũng có cách tiếp cận mới khi kết hợp với nhiều sản phẩm đặc trưng sẵn có trên địa bàn như chả cá thát lát, bún tươi khi giới thiệu sản phẩm. Thành quả của sự lao động nghiêm túc và tâm huyết với con đường đã chọn đã giúp sản phẩm nước sốt đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020.
Tại cuộc thi khởi nghiệp lần 1, còn có một thí sinh là giáo viên. Chị Trần Thị Kim Hai đến từ thành phố Vị Thanh cũng đã gây ấn tượng với ban giám khảo từ các sản phẩm chế biến từ cây khóm Cầu Đúc. Trải qua một năm sau cuộc thi, chính chị cũng không nghĩ rằng những sản phẩm “cây nhà lá vườn” mà mình vẫn làm hàng ngày có thể xuất hiện và bày bán rộng rãi như hiện nay.
Chị Kim Hai (bìa phải) với sản phẩm khởi nghiệp từ khóm Cầu Đúc.
Thực tế mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm là món ăn quen thuộc của người dân ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến quê chị. Có thời gian khóm rớt giá, chị trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị lên và không phụ thuộc vào giá cả thị trường như mọi năm. Thế là mứt khóm ra đời và mất thêm một thời gian nữa mới đến món củ hủ khóm làm dưa chua, tận dụng phần bỏ đi của cây khóm. Nhờ bà con, hàng xóm ăn thử và tự thử nghiệm, gia giảm lại gia vị cho phù hợp với khẩu vị của số đông, dần dà chị ngày càng lên tay, cho ra đời các mẻ mứt khóm chất lượng đồng đều. Cả hai món ăn đều được nhiều nhận xét tích cực tại các cuộc thi mà chị tham gia.
Vừa bận việc ở trường còn lo việc kinh doanh, làm sản phẩm nhưng chị kiên quyết không bỏ cuộc, đặc biệt là nhờ thêm hỗ trợ của địa phương để đăng ký thương hiệu riêng và thành lập cơ sở sản xuất. Chị Kim Hai tâm sự: “Tôi nghĩ ai khởi nghiệp cũng thấy khó khăn trăm bề, thị trường ngày càng cạnh tranh nhưng điều quan trọng là cái tâm và lòng kiên trì với từng sản phẩm, mình ăn thấy ngon và hài lòng thì mới truyền tải được tới người mua”.
Rút kinh nghiệm từ những buổi đầu, ngày nay chị hoàn thiện khâu đóng gói mứt khóm, tiện lợi khi sử dụng và hợp làm quà biếu. Tìm loại bánh tráng ép mứt sao cho để lâu vẫn giữ được độ giòn, không bị chảy. Nhờ vậy lượng đặt hàng mỗi năm mỗi tăng, đợt tết cao điểm năm ngoái số lượng lên tới 500 hộp (loại 0,5kg và 1kg), tạo việc làm thêm cho 4-5 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Trợ lực cho phong trào
Từ những sản phẩm khởi nghiệp như cá thát lát, khóm Cầu Đúc, sản phẩm đan đát từ lục bình, tinh dầu thiên nhiên từ sả, vỏ bưởi… cho thấy bức tranh khởi nghiệp của Hậu Giang đang dần hiện lên rõ nét. Tiềm năng của địa phương đã, đang và sẽ là “cái nôi” cho nhiều ý tưởng hay và nhiều mô hình khởi nghiệp. Phương hướng khởi nghiệp của tỉnh dần định hình và gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững. Các chính sách cụ thể liên quan đến khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ được quan tâm thực hiện. Gần đây nhất là tổ chức cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh lần 1 năm 2019, lần 2 dự định tổ chức vào năm 2021. Tổ chức các diễn đàn thanh niên khởi nghiệp và xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Qua đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã trao tặng 1 tỉ đồng, UBND tỉnh Hậu Giang tặng 1 tỉ đồng cho Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở giai đoạn sơ khai như tại Hậu Giang thì vai trò quản lý của chính quyền rất quan trọng. Ngoài hỗ trợ thành lập các tổ chức khởi nghiệp, liên kết các cá nhân có cùng mục tiêu, lý tưởng, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để xây dựng được văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm của giới trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đồng thời kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước để cùng phát triển.
Ông Đỗ Văn Dinh, thí sinh đạt giải ba trong cuộc thi khởi nghiệp Hậu Giang từng chia sẻ trong một hội thảo về khởi nghiệp cũng là một đề xuất gắn với tâm tư của nhiều cá nhân đã lựa chọn Hậu Giang làm nơi khởi nghiệp: Chính quyền cần cân nhắc hỗ trợ, làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ ở bước đầu. Cụ thể là thành lập vườn ươm doanh nghiệp nơi tiếp nhận nuôi dưỡng các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, đồng thời đánh giá tính khả thi của từng ý tưởng. Từ đó có kế hoạch cụ thể giúp các bạn trẻ hạn chế phần nào rủi ro trên con đường khởi nghiệp và cất cánh cho các ý tưởng bay cao và bay xa hơn nữa.
Ông Hoàng Thế Cường, Công ty TNHH HTC Vị Thanh: “Tăng kết nối và dám mở lối đi riêng” Tại Hậu Giang không thiếu những thế mạnh và dư địa phát triển để các bạn trẻ có thể tìm ý tưởng kinh doanh nhưng cần gắn kết điều này với nhu cầu thị trường, kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng và mạnh dạn mở lối đi riêng. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức về quản trị doanh nghiệp và hiểu về thị trường để giảm rủi ro khi bắt đầu chặng đường khởi nghiệp. |
Ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang: “Khởi nghiệp với hợp tác xã, tại sao không ?” Trong thời gian qua, ngày càng có nhiều bạn trẻ có sẵn vốn kiến thức và tích lũy kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã trở về với mảnh đất nông nghiệp quê hương để khởi nghiệp thông qua các HTX. Khoảng 34 HTX trên địa bàn Hậu Giang là có những “ông chủ trẻ”, thế mạnh của các bạn là cách nghĩ, cách làm đều có sự đổi mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ nhanh. Hiện nay, có nhiều chính sách quan tâm phát triển HTX, nếu bạn trẻ có tâm huyết và sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực này thì đây chính là lúc nắm bắt cơ hội. |
Bài, ảnh: THIÊN TRANG