Mặt khác, các đơn vị trong ngành GTVT phải coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu đơn vị.
5 nhóm nhiệm vụ cần triển khai
Đối với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp, theo báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT, trong 3 năm liên tiếp (2016 - 2018), Bộ GTVT xếp thứ 1 trong số 20 bộ, ngành về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (theo công bố hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - ICT INDEX).
Đến hết năm 2018, Trung tâm CNTT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cục thuộc Bộ GTVT xây dựng và cung cấp 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó có 170 dịch vụ công mức độ 3, 140 dịch vụ công mức độ 4). Trong năm 2018, đã có trên 530.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến, có hơn 68.000 doanh nghiệp, người dân tham gia sử dụng. Trung bình một ngày làm việc có trên 2.400 hồ sơ được nộp theo hình thức trực tuyến.
Đề cập đến ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành, theo lãnh đạo Trung tâm CNTT Bộ GTVT, nhìn chung, thời gian qua các đơn vị đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị. Một số lĩnh vực bước đầu đã mang lại hiệu quả như đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đăng kiểm là những đơn vị của ngành đứng đầu về mức độ ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GTVT chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trong phạm vi toàn ngành, đặc biệt việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và với các bộ, ngành khác còn nhiều hạn chế.
Cụ thể tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam các cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa đầy đủ, chưa có thiết kế tổng thể nên việc nhân rộng là rất khó khăn; chưa hình thành đầy đủ các quy định về tính pháp lý dữ liệu, quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống công nghệ thông tin; các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tuy nhiều nhưng hiệu quả còn thấp.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm CNTT, thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía Trung tâm CNTT đánh giá, kết quả xếp hạng về chỉ số chính phủ điện tử và mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ GTVT chưa đạt như mong đợi. Bộ GTVT xếp hạng trung bình (chỉ số đạt 0,57, xếp thứ 15 trong số 20 bộ/ngành) về chính phủ điện tử Việt Nam 2017 (cao nhất là Bộ Tài chính có chỉ số 0,7 và thấp nhất là Thanh tra Chính phủ, chỉ số 0,47). Bộ GTVT đứng thứ 17 trong tổng số 20 bộ/ngành về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-ICT Index 2018.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin các hệ thống thông tin của bộ và các cục, tổng cục; tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tổ chức ký thỏa thuận phối hợp bảo đảm an toàn thông tin mạng với Ban Cơ yếu Chính phủ...
Về kế hoạch triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử Bộ GTVT giai đoạn 2019 - 2020, lãnh đạo Trung tâm CNTT cho biết, có 5 nhóm nhiệm vụ cần triển khai gồm: xây dựng, nâng cấp 4 cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung; nâng cấp, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ hành chính và cải cách hành chính của Bộ GTVT; nâng cấp, xây dựng các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành; nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT và bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với yêu cầu của các hệ thống thông tin được đầu tư; xây dựng các văn bản của Bộ GTVT để triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử Bộ GTVT.
Tiêu chí đánh giá nhiệm vụ người đứng đầu
Để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Bộ GTVT đưa ra 217 thủ tục hành chính triển khai tại bộ phận một cửa. Đến nay, theo báo cáo của bộ này, về cơ bản tiến độ xây dựng hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đang được tích cực triển khai đảm bảo theo tiến độ hoàn thành trước ngày 30/6/2019 theo yêu cầu của Chính phủ.
“Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cấp các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phần mềm nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính; tích hợp với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ” - một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị về kế hoạch triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản của các đơn vị với trục liên thông văn bản Bộ GTVT để làm cơ sở thực hiện tích hợp, liên thông phần mềm quản lý văn bản của Bộ GTVT với trục liên thông văn bản quốc gia, đã chính thức sử dụng từ ngày 12/3/2019.
Để triển khai thực hiện kế hoạch đáp ứng yêu cầu tiến độ, Trung tâm CNTT kiến nghị Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ GTVT; liên thông các hệ thống quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử…
Nhấn mạnh các đơn vị của ngành giao thông phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, các đơn vị triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu theo khung chính phủ điện tử đã được phê duyệt, nhất thiết cần coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu đơn vị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các đơn vị cần tiếp tục quan tâm xây dựng, cung cấp các thủ tục hành chính trên cổng thông tin dịch vụ công của đơn vị, Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tại hội nghị “Spring Meetings 2019" do Ngân hàng Thế giới tổ chức vào ngày 13/4 vừa qua về Quản trị số, phát triển chính phủ số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ Việt Nam hầu như không ký "tươi" trên văn bản giấy nữa, khi lãnh đạo không ký thì cấp dưới đương nhiên phải sử dụng hình thức điện tử. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, không thể chấp nhận cán bộ 0.4. Điều đó cho thấy việc triển khai chính phủ điện tử đã được lãnh đạo cấp cao Nhà nước chú trọng đẩy mạnh, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ số hóa, đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. |
Trí Dũng