Những ngày này,ếtliệtchốngdịnữ chelsea cùng với các địa phương, Trạm Thú y huyện Châu Thành đang tăng cường vật tư, phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch. Tất cả với tinh thần chủ động, quyết liệt nhất để dập dịch tả heo châu Phi đang lây lan tại địa phương.
Cán bộ thú y huyện Châu Thành (đứng) tuyên truyền cách vệ sinh chuồng và các triệu chứng của dịch tả heo châu Phi cho người dân.
Trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuất hiện 9 ổ dịch tả heo châu Phi với số lượng con heo tiêu hủy lên đến trên 330 con, trọng lượng hơn 20.500kg. Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chi cục Thú y tỉnh, huyện đã triển khai đồng bộ và kịp thời các biện pháp. Khi phát hiện ổ dịch, trạm cùng địa phương tổ chức tiêu hủy heo bệnh kịp thời; tổ chức tiêu độc khử trùng tại ổ dịch, các hộ trong vùng dịch và chốt kiểm dịch. Sau đó, khoanh vùng dịch, vùng dịch bị huy hiếp, vùng giám sát. Đến nay, đã có 6 chốt kiểm dịch được thành lập để kiểm soát việc vận chuyển heo, các sản phẩm của heo và tiêu độc khử trùng các phương tiện ra, vào ổ dịch.
Theo thống kê của huyện Châu Thành, tổng đàn heo trên địa bàn huyện vào thời điểm ngày 1-4 là trên 5.700 con. Dịch bệnh không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn gây tâm lý lo lắng cho nhiều hộ nuôi. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, dịch bệnh khiến đàn heo của bà bị tiêu hủy trên 1.300kg. Giờ đây, nếu được hỗ trợ bà cũng khó phục hồi được mô hình vì không dám thả nuôi do tâm lý lo sợ. Theo Trạm Thú y huyện, nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh khả năng do các hộ nuôi lấy thức ăn thừa từ các quán cơm, quán nhậu tại các tỉnh, thành phố lân cận khiến cho nguy cơ phát sinh, lây lan cao. Hơn nữa, các chuồng nuôi heo sát nhà, khu sơ chế, rửa thức ăn của các hộ nuôi nằm gần đó nên nguy cơ các sản phẩm thịt heo cũng là nguồn lây bệnh. Dịch bệnh xảy ra cũng có thể lây lan từ mầm bệnh bám trên các phương tiện vận chuyển heo, thức ăn từ hộ này sang hộ khác…
Chính vì vậy, để bảo vệ đàn heo còn lại, cán bộ thú y đã nhanh chóng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo còn lại trên địa bàn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thông tin về tình hình dịch bệnh cũng được tuyên truyền hàng ngày trên phương tiện truyền thông tại địa phương như đài truyền thanh, tờ rơi, áp phích… Bên cạnh đó, cán bộ thú y còn giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, thực hiện tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi chợ.
Cùng vào cuộc với ngành thú y, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn huyện cũng nhanh chóng hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân cùng chống dịch. Vào chiều ngày 24-5, UBMTTQ Việt Nam xã Đông Phước cùng ngành thú y đã tổ chức buổi tuyên truyền với sự tham gia của hơn 40 bà con trong khu vực. Tham dự buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Minh, người đang nuôi 90 con heo theo hình thức trang trại tại ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, cho biết: “Tôi đến để nghe cán bộ thú y hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh đúng cách. Hơn nữa, nắm bắt thêm các thông tin dịch bệnh về phòng, trị, ứng phó kịp thời”.
Phó trưởng Trạm Thú y huyện Châu Thành Hồ Thị Phương Loan thông tin: Đối với các ổ dịch thì xịt sát khuẩn liên tục trong tuần đầu, tiếp đó vào các tuần sau khử trùng 3 ngày/lần. Đối với vùng bị dịch uy hiếp, trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Vùng đệm trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng một tháng kể từ khi có ổ dịch... để đề phòng lây lan cho các khu vực lân cận. Đối với các hộ đã bị tiêu hủy heo thì trạm đang làm danh sách thống kê để bà con được hưởng hỗ trợ, giúp hộ chăn nuôi có vốn làm mô hình kinh tế khác.
Bài, ảnh: TRÚC LINH