Trên địa bàn TP Cà Mau có 805 người bị nhiễm chất độc da cam, đang phải chống chọi và sống chung với nỗi đau. Trong đó, số người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có tới 67 người, số còn lại bị suy giảm khả năng lao động từ 21-80%. Số nạn nhân bị nhiễm chất độc là con đẻ của người hoạt động kháng chiến là 209 người. Hầu hết họ bị suy giảm khả năng lao động từ 61-81%.
Những năm qua, Ðảng bộ và Nhân dân TP Cà Mau thường xuyên quan tâm đảm bảo chính sách xã hội với nạn nhân chất độc da cam và phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nạn nhân chất độc da cam. Các ban, ngành, đoàn thể cũng có nhiều hình thức, việc làm để hỗ trợ các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Ðiển hình là Ban Ðại diện Phật giáo Hoà Hảo vận động trao 20 suất quà, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh trao 60 suất quà cho nạn nhân và gia đình nạn nhân, tổng trị giá quà tặng 21 triệu đồng.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc cam/điôxin TP Cà Mau, cho biết: "Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam các xã, phường trên địa bàn thành phố đã tham mưu cấp uỷ, UBND phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và tổ Nhân dân tự quản lồng ghép nội dung tuyên truyền sâu rộng về chức năng, nhiệm vụ hội. Hội một số xã, phường xin ý kiến chỉ đạo thành lập đoàn có thành phần các ban, ngành, đoàn thể và hội bạn do UBND trực tiếp chỉ đạo tiến hành vận động các nhà hảo tâm, các nhà từ thiện trao tặng tiền, quà Tết cho các hộ nạn nhân chất độc da cam nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Tổng quà trao cho nạn nhân trong 6 tháng đầu năm 2016 là 463 suất, trị giá trên 158 triệu đồng".
Ðể chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người có công, TP Cà Mau còn triển khai nhiều phong trào và nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc, như phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, hỗ trợ cất nhà Ðại đoàn kết, cho nạn nhân vay vốn phát triển kinh tế… Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, xã, phường thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân. Ðến nay, quỹ đã vận động được hơn 100 triệu đồng.
Riêng trong dịp Tết Chol Chnăm Thmây, địa bàn thành phố có 4 hộ dân tộc Khmer là nạn nhân da cam được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tặng quà, các đơn vị trong tỉnh tặng 13 suất quà, trị giá trên 3,7 triệu đồng.
Từ sự quan tâm giúp đỡ của tổ chức hội và cộng đồng, doanh nghiệp đã giúp nhiều người bị nhiễm chất độc da cam và gia đình trên địa bàn thành phố giảm khó khăn vật chất, vơi đi nỗi đau về tinh thần, giúp họ có động lực và niềm tin vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Anh Sơn cho biết thêm, thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố tiếp tục rà soát những đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là những đối tượng thuộc thế hệ thứ 3 để đề nghị hưởng các chế độ của Nhà nước. Ðồng thời, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, lòng hảo tâm của các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc chung tay chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân da cam xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần, giúp họ vượt lên hoàn cảnh, hoà nhập với cộng đồng, xã hội./.
Thiện Nhân