- Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Vũ Dương Huân cho hay, thông điệp của Thủ tướng là muốn nhắc nhở các quốc gia cần coi trọng cả lợi ích quốc gia và quốc tế, tôn trọng trách nhiệm quốc tế.
Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ
Việt Nam coi trọng các cơ chế đa phương với LHQ đóng vai trò trung tâm
Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thế giới chỉ có thể bền vững nếu mỗi quốc gia, mọi cá nhân ý thức được hai trách nhiệm đồng thời: Trách nhiệm với quốc gia mình và trách nhiệm với toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 73. Ảnh: TTXVN |
GS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, đây là thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn, đề cập trực tiếp đến một vấn đề nóng, nổi cộm và rất phức tạp trong quan hệ quốc tế đương đại.
Đó là vấn đề quan hệ giữa trách nhiệm quốc gia và quốc tế, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của các quốc gia khác, lợi ích quốc tế.
“Có không ít quốc gia - nhất là các nước lớn quá coi trọng lợi ích của chính mình mà phớt lờ, hoặc vi phạm lợi ích quốc gia khác, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quốc tế, cam kết quốc tế”, ông Huân nói.
Theo GS, luật quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ đã ghi rất rõ các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau, trách nhiệm thực thi các cam kết quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, các quốc gia dù rất lớn mạnh cũng không tự mình đối phó được với các vấn đề toàn cầu như chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… mà đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác với nhau để xử lý với các thách thức đó. Hợp tác quốc tế là tất yếu.
GS Vũ Dương Huân chia sẻ, thông điệp của Thủ tướng là muốn nhắc nhở các quốc gia cần coi trọng cả lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế, tôn trọng trách nhiệm quốc tế, cam kết quốc tế.
“Việt Nam đang trong quá trình vận động tích cực cho việc ứng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Qua thông điệp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn khẳng định nếu trúng cử, Việt Nam chắc chắn sẽ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và với quan điểm rất tích cực, trong sáng”, ông bày tỏ.
Để thực hiện “trách nhiệm kép” này, theo ông Huân, các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác quốc tế, điều này được quy định tại Hiến chương LHQ, đặc biệt Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970.
Trước tiên, mỗi quốc gia, nhất là các lãnh đạo quốc gia, phải nhận thức thật rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện cam kết và hợp tác quốc tế.
Các quốc gia và các cá nhân của quốc gia phải nắm rõ các cam kết của mình đã ký kết và có kế hoạch triển khai các cam kết đó.
Tiếp theo là chính phủ phải thường xuyên theo dõi việc thực hiện cam kết quốc tế. Nếu khó khăn từ phía mình thì chủ động có biện pháp tháo gỡ, còn khó khăn từ phía quốc gia khác thì hợp tác cùng giải quyết.
GS Vũ Dương Huân |
Ngoài ra, các quốc gia cũng phải thường xuyên rút kinh nghiệm thực hiện các cam kết quốc tế.
“Các quốc gia cũng như các cá nhân của mỗi quốc gia, nhất là các nhà lãnh đạo phải tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế, các điều mà mình đã ký kết, quan tâm đến hợp tác quốc tế”, ông Huân tổng kết lại.
Ngăn chặn các hành động chính trị cường quyền
GS Vũ Dương Huân nhắc đến ý kiến của Thủ tướng về việc tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế.
Ông cho hay, luật quốc tế có những quy định khá đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề này. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong Hiến chương LHQ cũng đã được cụ thể hóa trong một loạt các văn bản khác như Tuyên bố về những nguyên tắc luật quốc tế 1970, Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ năm 1974 về định nghĩa xâm lược...
Theo ông Huân, các nước phải chủ động, kiên quyết đấu tranh với tư duy, thái độ và hành động cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
“Thông qua Hội đồng Bảo an LHQ, các quốc gia cần kiến nghị các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn các hành động chính trị cường quyền, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực tại các khu vực”, ông Huân nói.
Ông cho biết thêm, trong thực tiễn, không phải lúc nào lợi ích quốc gia - dân tộc cũng song trùng với lợi ích toàn cầu.
Để giải quyết việc này, điều quan trọng là các quốc gia phải biết kết hợp hài hòa lợi ích dân tộc mình và lợi ích nhân loại. Không nên quá ích kỷ, quá coi trọng lợi ích của mình mà coi thường lợi ích toàn cầu và lợi ích quốc gia khác.
Trách nhiệm kép: Tâm huyết của Việt Nam với tương lai thế giới
Phát biểu của Thủ tướng là tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với tương lai phát triển của một thế giới hòa bình, thịnh vượng.