Đây là kết quả cập nhật hết 6 tháng đầu năm 2017, theo thống kê theo thị trường của Tổng cục Hải quan. Trong tổng giá trị kim ngạch buôn bán giữa nước ta và các thành viên khác, Việt Nam xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá 10,45 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ đối tác 13,58 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu 3,13 tỷ USD.
Đáng chú ý, Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia.
Trong đó, hết tháng 6, Thái Lan tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá kim ngạch XNK giữa hai nước đạt xuýt soát 7 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà nước ta đang bị thâm hụt thương mại lớn nhất trong khối ASEAN với con số nhập siêu 2,53 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 2,223 tỷ USD, nhập khẩu 4,753 tỷ USD).
Đối với thị trường Thái Lan, các mặt hàng nhập khẩu lớn có thể kể đến là điện gia dụng và linh kiện đạt 533,6 triệu USD (tính hết tháng 6); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 430 triệu USD; rau quả 362,3 triệu USD… Trong khi đó, Thái Lan nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam mặt hàng điện thoại và linh kiện với trị giá đạt gần 500 triệu USD. Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 253 triệu USD; dầu thô 217,3 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 157 triệu USD…
Các thị trường lớn khác trong khối ASEAN đạt trị giá kim ngạch XNK từ 1 tỷ USD trở lên là Malaysia đạt 4,821 tỷ USD; Singapore đạt 4,368 tỷ USD; Indonesia đạt 3,188 tỷ USD: Campuchia đạt 1,968 tỷ USD; Philipines đạt 1,854 tỷ USD.
Trong khi đó, thương mại Việt Nam và Bruney chỉ đạt gần 20 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 10,45 triệu USD với 2 mặt hàng chính là thủy sản và gạo; trong khi nhập khẩu từ vương quốc này lượng hàng hóa đạt trị giá 8,28 triệu USD, với nhóm hàng chính là hóa chất.
Hiện nay, khu vực ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc (tổng kim ngạch thương mại đạt 39,859 tỷ USD); Hàn Quốc (đạt 29,123 tỷ USD); và Hoa Kỳ (đạt 24,417 tỷ USD).