BPO - Hiện nay,ếttrườngthọlịch thi đấu giải ligue 1 nhiều người già ở Bình Phước đã sống trọn một thế kỷ nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai, minh mẫn, sống vui vẻ bên con cháu. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, các cụ cho rằng, khi còn khỏe luôn lấy lao động làm niềm vui, cần cù tăng gia sản xuất nên có một nền tảng sức khỏe tốt. Sống không vướng bận lo âu, lạc quan, yêu đời, tuổi thọ vì thế được kéo dài hơn.
Sống 100 tuổi không giận hờn
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài. Nơi đây có 3 cụ bà đã 100 tuổi, trong tổng 6 cụ 100 tuổi của toàn thành phố. Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ Trần Thị Thảy ở ấp 3. Dáng người nhỏ, thấp nhưng cụ rất nhanh nhẹn, tháo vát và minh mẫn. Hằng ngày, cụ dậy từ 5 giờ sáng, sau đó dọn dẹp nhà cửa, quét dọn sân vườn.
Cụ Trần Thị Thảy vui vầy bên con cháu
Cụ Thảy kể, cụ sinh ra và lớn lên ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, cụ không biết mặt cha mẹ, lớn lên trong vòng tay của ngoại, đi làm thuê, ở đợ cho người ta, rồi lấy chồng. Chồng cụ cũng mồ côi, vợ chồng tự bươn chải lo cuộc sống. Ông chủ thương tình cho vợ chồng cụ mượn chuồng trâu cũ làm nơi trú ngụ, nương thân. Ấy thế mà trời thương, “tặng” vợ chồng cụ 9 người con. Năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, gia đình cụ vào Bình Phước xây dựng kinh tế mới và chọn Tiến Hưng làm quê hương cho đến hôm nay. 16 năm trước, cụ ông mất, cụ bà ở với gia đình người con trai út. Đến nay, cụ có 95 người cháu, chắt, chút, chít đều sống ở gần, kinh tế ai cũng khá giả, lại hiếu thảo nên tinh thần cụ thoải mái.
Ông Đinh Hữu A, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Hưng (bìa phải) ghé thăm cụ bà Trần Thị Thảy tại nhà riêng
Chị Phạm Thị Liên, con dâu út cụ Thảy cho biết, chị về làm dâu đến nay đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ mẹ con to tiếng, đến giờ cũng chưa phải phục vụ cụ ngày nào. Mọi sinh hoạt cá nhân cụ đều tự lo hết. Cụ còn nấu cơm, dọn nhà cửa giúp vợ chồng chị. “Nhiều khi nói mẹ nghỉ ngơi, đừng làm nhưng mẹ bảo làm cho khỏe, mẹ quen làm việc rồi, ở không khó chịu. Mẹ còn tự xâu kim khâu quần áo, đọc sách mà không phải dùng đến kính. Tôi thật may mắn khi được làm con dâu của mẹ” - chị Liên chia sẻ.
Cụ bà Trần Thị Thảy vặt lá mai chuẩn bị đón tết nguyên đán
Bà Đoàn Thị Vui, con gái cụ Thảy năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: Mẹ có thói quen đi chân đất, không ăn thịt bò, thịt gà. Mỗi bữa chỉ ăn một chén cơm với ít canh hoặc ít thịt heo kho mặn. Món ăn mẹ thích nhất là canh chua nấu với tép khô hoặc với cá cơm khô. Mẹ cũng không bao giờ ăn bún, phở ngoài quán mà chỉ ăn cơm hoặc cháo vào buổi sáng. Chúng tôi rất hạnh phúc vì tuổi này vẫn còn có mẹ ở bên. Mẹ tôi khỏe một phần do ăn uống, phần do tư tưởng thoải mái, không trách cứ, giận dỗi ai lâu bao giờ.
Tâm nhẹ nhàng, sức khỏe cũng tốt theo
Cách đó không xa và cùng ở ấp 3, xã Tiến Hưng là cụ bà Vũ Thị Hằng, quê xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nay cũng đã chạm mốc 100 tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt và đôi mắt cụ vẫn ánh lên nét tinh anh, vẻ đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam.
Từ Bắc vào Nam năm 1978 theo diện kinh tế mới, gắn bó với mảnh đất này đã 44 năm, cụ Hằng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Đến nay, chồng và 2 người con trai của cụ đã về với tổ tiên. Cụ vẫn ở một mình cạnh nhà con trai út. Mọi sinh hoạt cụ tự làm, vẫn lên mạng đọc báo, xem phim bằng điện thoại di động mà không cần kính lão. “Mẹ vẫn tự lau nhà, giặt giũ quần áo, sắp xếp đồ đạc và nấu cơm. Thức ăn thì chúng tôi nấu đưa qua. Mỗi bữa mẹ chỉ ăn một chén cơm và rất thích ăn canh. Ngày nào mẹ cũng uống một ly cà phê sữa. Mẹ rất thích chơi với các cháu, chỉ có điều tay yếu nên không bồng được cháu” - chị Vũ Thị Nguyệt, con dâu cụ cho biết.
Cụ Vũ Thị Hằng sử dụng điện thoại thông minh mà không cần đeo kính lão
Bà Vũ Thị Liễu - con cụ Hằng chia sẻ: Thời trẻ, mẹ rất siêng lao động. Việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình đều một mình mẹ lo hết. Cá dưới sông, lúa tự trồng, rau có sẵn trong vườn. Mọi thứ do chính tay mẹ và con cháu làm ra. Gắn bó cả đời với đồng áng nên mẹ đã quen với sương gió, hiếm khi bị bệnh. Mẹ sống đơn giản, chan hòa với mọi người, ít giận hờn hay oán trách ai. Vì không nặng nề lo toan suy nghĩ nên đời sống thanh thản.
Cụ bà Vũ Thị Hằng và con gái bà Đoàn Thị Vui
Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ Hằng cho biết, từ lúc còn trẻ tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống bình an, làng quê không khí trong lành nên dù không được ăn cao lương mỹ vị, cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Đặc biệt, nên ngủ đúng giờ và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể và phải sống trong môi trường nhiều cây xanh. Chính lối sống giản dị, lạc quan, đậm tình cảm và thường xuyên lao động chân tay nên sức khỏe dẻo dai.
Con, cháu vui vẻ là liều thuốc tinh thần để cụ bà Vũ Thị Hằng trường thọ
“Các cụ sống thọ, sống khỏe, sống vui theo tôi là do có sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là con cháu trong gia đình trông nom, động viên tinh thần, chăm lo ăn uống cho các cụ. Tôi thấy các cụ tuy đã 100 tuổi nhưng sức khỏe tốt, minh mẫn, quả là rất hiếm” - ông Trần Như Cừ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 3, xã Tiến Hưng cho biết.
Chăm sóc cây cối, cũng là thú vui hằng ngày của cụ Vũ Thị Hằng
Cuộc sống êm ả, khí hậu trong lành với nhiều hoa thơm và quả ngọt; tình cảm chứa chan của bà con lối xóm; lòng hiếu thảo, tận tình của con cháu... phải chăng tất cả những điều bình dị ấy chính là bí quyết để các cụ sống lâu, sống khỏe. Để người già có cuộc sống tốt thì ở bất cứ thời đại nào cũng cần 3 yếu tố: Được sống vui vầy với con cháu trong gia đình hạnh phúc; được chăm sóc tốt khi ốm đau; được hòa nhập và đóng góp cho gia đình, xã hội. Muốn đạt được những điều đó, không ai có thể làm thay con cháu nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ mình.