Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa”
Cần Giuộc là huyện đứng đầu về công tác CCHC cấp huyện. Huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững thành tích trong năm 2024. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, ngay từ đầu năm, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), nhất là tăng cường phát huy vai trò của người đứng đầu. Đặc biệt, huyện đề ra mục tiêu hạn chế thấp nhất tình trạng trễ hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là của người đứng đầu;...
Năm 2023, thành tích nổi bật của huyện là từng bước tháo gỡ tất cả hồ sơ trễ hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia kéo dài trước đây (gần 2.500 hồ sơ); hồ sơ trực tuyến của huyện đạt gần 95%; thanh toán trực tuyến đạt hơn 31%; tạo lập đồng bộ 100% hồ sơ CBCC, viên chức trên phần mềm của Bộ Nội vụ; đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu theo quy định;...
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ tiếp nhận 200 lượt người đến làm các TTHC, chủ yếu là lĩnh vực đất đai, xây dựng, thành lập hộ kinh doanh và hộ tịch. Dù áp lực công việc khá lớn nhưng tác phong công tác của đội ngũ CBCC, viên chức được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện.
“Năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh CCHC trên cả 6 lĩnh vực với trọng tâm là gỡ vướng pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; cải cách tổ chức bộ máy hành chính và tài chính công;...” - Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ hiện đại hóa nền hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết và công bố chỉ số CCHC năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong năm 2024. Trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tiếp tục rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; sắp xếp lại đội ngũ CBCC, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, dễ phát sinh tiêu cực;...
“Riêng đối với việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai, thực hiện Chương trình số 3288/CTr-UBND, ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương; xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng, phát triển dữ liệu; xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ; xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng, phát triển đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến;...” - ông Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh./.
Phong Nhã