Sau 16 năm hình thành và phát triển,ướctiếnphttriểnđthịkèo chấp 2 Hậu Giang đã và đang trở thành vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư đến triển khai dự án, nhất là lĩnh vực phát triển đô thị.
Sự tiện ích của các khu đô thị mới đã tạo hấp dẫn đối với người dân.
Đô thị khởi sắc
Ngay từ ngày đầu mới thành lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến xây dựng hình ảnh con người Hậu Giang thân thiện, hiền hòa. Tỉnh luôn cầu thị, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư đến với Hậu Giang triển khai dự án trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển đô thị.
Thời gian qua, tỉnh đã được các doanh nghiệp đến đầu tư nhiều dự án, từ đó góp phần cho kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu cho rằng Hậu Giang là tỉnh rất nhiều khó khăn, trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện thì có 7 đơn vị là vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh luôn nỗ lực trên mọi mặt, từ đó kinh tế, xã hội trên địa bàn ngày càng đi lên. Từ một tỉnh có số thu ngân sách khá khiêm tốn là 160 tỉ đồng, nhưng sau 16 năm phát triển, đến nay tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.700 tỉ đồng, vượt một số tỉnh trong khu vực. Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 24%, đến nay giảm xuống chỉ còn 3,1%. Thời gian qua, trong thực hiện các mục tiêu, trong đó về phát triển đô thị, tỉnh luôn hướng tới xây dựng là nơi đáng sống, có một môi trường sống trong lành.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu, để Hậu Giang trở thành nơi đáng sống thì cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao. Phát triển đô thị phải gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án phát triển đô thị, nhà ở tại những địa bàn còn nhiều khó khăn, dự án phát triển nhà ở xã hội, dự án xây dựng khu tái định cư, dự án do nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín đề xuất với quy mô lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để xây dựng Hậu Giang là nơi đáng sống, đi đôi với phát triển đô thị, người dân Hậu Giang luôn chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Bà Lê Thị Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: Cũng như bao hội đoàn thể khác, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành cũng có những chương trình, hành động để góp phần xây dựng quê hương, tạo cho nơi mình sống thật ý nghĩa. Trong các chương trình hành động đó, từ những việc rất đơn giản là các Chi hội phụ nữ đã làm rất tốt trong việc chăm lo gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn vệ sinh môi trường và trồng hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp.
Ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho biết: Sau hơn 16 năm xây dựng, hệ thống đô thị của tỉnh phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Khi thành lập trên địa bàn tỉnh chỉ có 9 đô thị, trong đó có 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV. Đến nay đã có 18 đô thị, trong đó 11 đô thị loại II, 2 đô thị loại III và 15 đô thị loại V. Nâng tỷ lệ đô thị hóa tăng dần từ 24,21% năm 2014 lên 25,9% năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,34%. Đô thị Hậu Giang phát triển thì các dịch vụ đi theo sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và giữ gìn, phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân được tốt hơn.
Đòn bẩy phát triển
Thành phố Vị Thanh là địa phương có tốc độ đô thị hóa khá cao của tỉnh, vào năm 2000 tỷ lệ dân cư thành thị chưa đến 30% nhưng nay tăng lên gần 68%. Với lợi thế dễ dàng kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua hệ thống giao thông trọng điểm, đây là đòn bẩy cho đô thị phát triển. Nhờ khả năng tăng trưởng vượt bậc, thành phố Vị Thanh đang thu hút một lượng dân nhập cư đổ về.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Đến nay, hạ tầng của thành phố đều đạt tiêu chí loại II. Trên địa bàn Vị Thanh, các khu dân cư, đô thị mới đã hoàn thành làm cho bộ mặt đô thị thay đổi rất nhiều so với trước đây. Hầu hết các dự án đô thị đều phát triển và nhu cầu về nhà ở còn nhiều. Để người dân chọn Vị Thanh là nơi làm việc và sinh sống, thành phố tiếp tục xin chủ trương mở rộng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để kêu gọi nhà đầu tư vào địa bàn. Tranh thủ nhiều nguồn vốn để nâng cấp các công viên cây xanh để tăng mảng xanh cho đô thị.
Một điều dễ nhận thấy là các đô thị ở Hậu Giang mang sắc thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng sông nước, thói quen sinh hoạt của người dân. Các dự án khu đô thị mới hình thành đã cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh về định hướng phát triển đô thị, tạo môi trường sống bền vững. Đặc biệt là những dự án với chức năng nhà ở dân cư kết hợp thương mại - dịch vụ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình phát triển đô thị trên địa bàn, tập trung đầu tư để 3 đô thị trọng điểm của tỉnh là thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành 3 trục mạnh, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ phát triển đô thị, đồng thời tăng cường phát triển các đô thị vệ tinh. Phấn đấu đến năm 2025, Hậu Giang có tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,9%.
Theo UBND thành phố Ngã Bảy, thời gian qua, với quyết tâm xây dựng đô thị loại III, thành phố Ngã Bảy đã có nhiều chỉ đạo nâng chất hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, hàng năm thông qua Chiến dịch giao thông - thủy lợi và trồng cây đã thay thế, trồng mới cây xanh dọc theo các trục đường từ nội ô cho đến vùng nông thôn. Mở rộng, đầu tư mới công viên cây xanh, tạo không gian công cộng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân. Năm 2021, thành phố Ngã Bảy tiếp tục triển khai các dự án mời gọi đầu tư như các dự án dân cư, phát triển thương mại, dịch vụ. Mục tiêu trong năm nay và những năm tiếp theo là quan tâm nâng chất đô thị loại III, nâng chuẩn thành phố trực thuộc tỉnh. Xây dựng thành phố với lợi thế và đặc trưng của vùng sông nước, vận dụng những thành tựu hiện đại trong kiến trúc cảnh quan đô thị, vận dụng công nghệ 4.0 xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu cho rằng bên cạnh đẩy mạnh phát triển đô thị hiện hữu, Hậu Giang còn tập trung nguồn lực lớn cho phát triển đô thị thông minh. Năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, từ đó làm tiền đề cho việc thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, danh mục dự án nhà thương mại khu đô thị đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013 đến nay là 18 dự án. Dự án đang triển khai thực hiện (dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư) là 36 dự án. Dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025, dự kiến 76 dự án. Dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2026-2030, dự kiến là 14 dự án. |
Bài, ảnh: LAN PHƯƠNG