Tội cố ý gây thương tích luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tội phạm,ửlncốgythươxem tỉ số tuy nhiên nhiều vụ việc không thể xử lý do người bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật, dù tính chất của vụ án là nghiêm trọng và cơ quan điều tra đã xác định được hung thủ.
Để có thể giám định tỷ lệ thương tật trong vụ án cố ý gây thương tích, đòi hỏi phải có đơn yêu cầu giám định từ chính người bị hại.
Nạn nhân từ chối giám định
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy, đối với tội cố ý gây thương tích, năm 2014, đã khởi tố 9 vụ, chiếm 20% trong cơ cấu các tội phạm hình sự đã khởi tố, còn năm 2015 là 8 vụ, chiếm 12,3%. Qua đó, có thể thấy, loại tội phạm này thường chiếm cơ cấu khá cao trong các loại tội phạm về hình sự. Nguyên nhân chủ yếu của tội cố ý gây thương tích thường phát sinh từ mâu thuẫn giữa các nhóm đối tượng hoặc cá nhân, thường là trong các cuộc nhậu, đám tiệc hoặc do xích mích với nhau từ trước, không làm chủ được bản thân, dẫn đến gây gổ, xô xát, từ đó thực hiện hành vi phạm tội.
Theo quy định hiện nay, để xử lý tin báo tố giác tội phạm thuộc nhóm cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, người bị hại phải được giám định tỷ lệ thương tật. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, người bị hại vì nhiều lý do lại từ chối giám định tỷ lệ thương tật, từ đó gây khó khăn cho cơ quan điều tra, dẫn đến việc có thể bỏ lọt tội phạm.
Đơn cử như trường hợp xảy ra tại xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, vào tháng 8-2014. Vì chứng kiến cha mình là ông Trần V.T. và mẹ là bà Lê T.H. cự cãi với nhau do bà H. nghi ngờ ông T. có quan hệ tình cảm với bà Phạm T.V., ngụ cùng xã Vĩnh Tường. Trần T.C. đã điều khiển xe máy đến nhà bà Phạm T.V., dùng hung khí đánh vào đầu bà V. khiến bà V. bị thương tích nặng và phải nhập viện điều trị một thời gian dài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bà V. lại từ chối giám định tỷ lệ thương tật của mình, từ đó dẫn đến việc cơ quan điều tra không có đủ điều kiện để khởi tố vụ án theo quy định. Qua một thời gian dài vận động, thuyết phục, bà V. mới đồng ý giám định tỷ lệ thương tật với kết quả giám định thương tích tổn hại đến sức khỏe là 21%, đã đủ điều kiện để xử lý hình sự.
Theo ông Đỗ Văn Tạo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy, nhiều trường hợp như Trần T.C. đánh bà V. rõ ràng hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nhưng do người bị hại lại từ chối giám định nên vụ việc không thể xử lý. Trong những trường hợp đó, cơ quan điều tra chỉ có thể vận động, thuyết phục người bị hại đồng ý giám định tỷ lệ thương tật hoặc chuyển hướng qua xử lý hành chính, nhưng như thế thì rất dễ bỏ lọt tội phạm.
Cần có quy định chặt chẽ
Theo ông Lương Văn Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành A, trong nhiều trường hợp, người bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật khiến các cơ quan tố tụng gặp khó trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, kéo dài thời gian xử lý của cơ quan điều tra. Ngoài ra, nhiều vụ việc do người bị hại đã thỏa thuận được chi phí đền bù nên dù tỷ lệ thương tật có thể đã đủ để xử lý hình sự, nhưng cơ quan điều tra vẫn không thể khởi tố vụ án, do không có kết quả giám định từ phía người bị hại đúng theo quy định của pháp luật. Ông Đỗ Văn Tạo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy, cho rằng: Để xử lý các trường hợp này, hiện nay cần có quy định chặt chẽ hơn trong trường hợp người bị hại từ chối giám định, như việc cơ quan tiến hành tố tụng có thể thông qua hồ sơ bệnh án của người bị hại để xem xét xử lý mà không cần phải có kết quả giám định.
Còn theo ông Lương Văn Tiến, để khắc phục vấn đề này, quy định của luật hiện nay nên điều chỉnh theo hướng có cơ chế bắt buộc người bị hại phải giám định tỷ lệ thương tật hoặc việc giám định không còn phụ thuộc theo ý chí chủ quan của người bị hại. Điều này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nói riêng, mà còn đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, hiệu quả, tránh được trường hợp bỏ lọt tội phạm, gây nguy hiểm cho xã hội.
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO