Thực hiện vai trò giám sát,ủaMặttrậlich thi dau bong đá hôm nay Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa thành lập Đoàn để giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và xử lý về an toàn thực phẩm (ATTP) của Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân năm 2018.
Đoàn giám sát thực hiện tess mẫu tại cơ sở sản xuất bún gạo ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh.
Đối tượng được giám sát là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh với các nội dung giám sát như: công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng; việc thực hiện kết luận sau thanh tra và kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Kết quả giám sát cho thấy nhiều mặt tích cực, nhưng cũng có một số hạn chế.
Các cơ sở có ý thức khắc phục lỗi vi phạm
Trong quá trình giám sát, Đoàn đã đi thực tế tại 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh để khảo sát việc khắc phục các lỗi vi phạm do Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP chỉ ra. Qua ghi nhận, các cơ sở có ý thức khắc phục những lỗi vi phạm.
Như tại cơ sở sản xuất cốm gạo, mứt dừa Minh Thư, ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp.
Trước đây, cơ sở này bị Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3 triệu đồng do chưa đảm bảo về ATTP trong sản xuất. Cụ thể là khu vực sản xuất còn bề bộn, chưa tách biệt giữa khu vực sản xuất và nơi sinh hoạt gia đình.
Với thái độ cầu thị ghi nhận những lỗi do ngành chức năng nêu ra, đến nay cơ sở này đã khắc phục tốt khi dọn dẹp sạch sẽ khu vực sản xuất; tách riêng biệt khu vực sản xuất với khu sinh hoạt của gia đình; đồng thời liên hệ với Sở Công thương để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Anh Nguyễn Văn Nhân, chủ cơ sở sản xuất cốm gạo, mứt dừa Minh Thư, cho biết: “Được ngành chức năng nhắc nhở, xử phạt giúp chúng tôi nhận thấy các lỗi vi phạm của mình và đã cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. Trong hoạt động tới đây của cơ sở sẽ luôn đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu”.
Còn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Nắng Chiều, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cũng đã khắc phục khá tốt lỗi vi phạm.
Cơ sở này từng bị Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tỉnh về ATTP phát hiện sử dụng nguyên liệu (cá, thịt, chân gà, mực… với số là 16kg) hết hạn sử dụng. Mặt khác, thùng đông lạnh chứa thực phẩm tươi sống đặt gần với khu bếp chính không đúng quy định.
Tại thời điểm Đoàn giám sát đến khảo sát thì thùng đông lạnh đã được cơ sở di chuyển với khoảng cách an toàn với khu bếp chính; thực phẩm trong thùng còn ít và còn hạn sử dụng. Bên cạnh đó, chủ cơ sở cũng thực hiện khám sức khỏe đầy đủ cho các lao động trực tiếp. “Từ đây về sau, cơ sở của chúng tôi sẽ đảm bảo về ATTP trong hoạt động để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thị Bé Tuyền, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Nắng Chiều, nhấn mạnh.
Không chỉ hai cơ sở vừa nêu, các cơ sở còn lại cũng có ý thức khắc phục các lỗi vi phạm. Đặc biệt, qua khảo sát thực tế và tess mẫu ngẫu nhiên, Đoàn giám sát không phát hiện chất độc hại tại cơ sở sản xuất rượu và bún. Tại mỗi điểm đến khảo sát, các thành viên trong Đoàn giám sát còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP. Bởi nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và cả hoạt động kinh doanh của cơ sở…
Tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra ATTP
Không chỉ ghi nhận chuyển biến tích cực về ý thức khắc phục lỗi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kết quả giám sát còn cho thấy Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã kịp thời xây dựng văn bản phục vụ công tác thanh, kiểm tra; quá trình thanh, kiểm tra có nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở vi phạm khắc phục các lỗi.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số điểm mà chi cục còn hạn chế như: việc xây dựng các văn bản thanh, kiểm tra còn một số thiếu sót; mức độ xử phạt các lỗi vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên còn một vài cơ sở khắc phục hậu quả mang tính đối phó.
Từ kết quả đó, Đoàn giám sát kiến nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn, nhất là tại các chợ; xử lý nghiêm để răn đe các cơ sở vi phạm; phối hợp tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, còn kiến nghị với Sở Y tế - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm; việc xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phải được thực hiện theo Nghị định 178 của Chính phủ và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân cùng giám sát. Trong quản lý ATTP thì lực lượng cán bộ liên ngành phải công tâm và đặt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng lên hàng đầu.
Ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Chúng tôi trân trọng những ý kiến mà Đoàn giám sát đã đóng góp. Chúng sẽ cố gắng khắc phục những điểm còn hạn chế mà Đoàn giám sát nêu ra để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thời gian tới”.
Việc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn chủ đề giám sát về ATTP là cần thiết và phù hợp tình hình hiện nay, bởi đây là vấn đề gây bức xúc và được dư luận rất quan tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, thông qua công tác giám sát lần này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề ATTP; đồng thời tạo dư luận mạnh mẽ để cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác quản lý về ATTP, cũng như kiên quyết phê phán và kiến nghị, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN