Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức trong tình hình mới | |
TPHCM kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics |
Hàng hóa XNK qua cảng quốc tế Long An. Ảnh: T.H |
Chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ
Tại Tọa đàm “Phát triển cảng biển và logistics ĐBSCL” được tổ chức vào cuối tuần qua, các chuyên gia đều cho rằng, khu vực ĐBSCL chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước nhưng hệ thống logistics chưa được đầu tư, phát triển tương xứng.
Ngành nuôi trồng thủy sản hình thành và phát triển tại vùng ĐBSCL gắn liền với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tuy nhiên sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thủy sản phụ thuộc vào nhu cầu và sự phát triển của thị trường xuất khẩu. Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, có đến 80% hàng hóa tại khu vực ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu đến các cảng khu vực TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng và nhận được sự quan tâm đầu tư quyết liệt của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư- Cục Hàng hải Việt Nam - cho rằng, điểm mạnh để phát triển cảng biển ĐBSCL là nhu cầu hàng hóa thông qua lớn, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, than, quặng cho các dự án nhiệt điện. Bên cạnh đó, nhiều danh lam thắng cảnh tạo ra tiềm năng du lịch biển đảo, có lợi thế về kết nối giao thông thủy và nguồn lao động dồi dào.
Còn điểm yếu là cảng biển nằm sâu trong sông, luồng hàng hải hạn chế, tiếp nhận tàu nhỏ trong khi xu thế đội tàu ngày càng tăng về kích cỡ, hệ thống cảng biển phân tán. Hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics, khu công nghiệp chưa hoàn thiện. Năng lực vận tải của mạng giao thông kết nối chưa cao, nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu…
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Cụ thể, ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 -3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài gần 28.000 km nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.
Khu vực ĐBSCL hiện có 4 sân bay với 2 sân bay dân dụng nội địa là sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và sân bay Cà Mau, 2 sân bay quốc tế là sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và sân bay Cần Thơ. Đặc điểm chung của các sân bay này là chủ yếu phục vụ vận tải hành khách và chưa có đóng góp nổi bật vào nền kinh tế vùng.
Phát huy thế mạnh XK vùng ĐBSCL
Nhận thấy thế mạnh của vùng ĐBSCL khi chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước nhưng phần lớn phải vận chuyển lên TPHCM để xuất khẩu, UBND TP Cần Thơ và Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu triển khai dự án phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ thành trung tâm logistics hàng không để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây giúp tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản và thủy sản của vùng.
Với vai trò là vựa lúa, vựa nông sản và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng ĐBSCL đang hình thành các kho lạnh chuyên dụng hiện đại phục vụ nhu cầu bảo quản các mặt hàng thế mạnh tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, chủ yếu phân bố tại Long An, Cần Thơ và Hậu Giang
Để đáp ứng sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như: dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa bởi vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn…
Dù có vị trí thuận lợi về giao thông với tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826 km nhưng hệ thống logistics tại ĐBSCL hiện nay vẫn chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng. Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TPHCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.
Đứng trước nhiều khó khăn và hạn chế của ĐBSCL, cùng với hệ thống logistics hiện tại của khu vực TPHCM đang phục vụ xuất khẩu và giao nhận hàng hoá cho vùng đang quá tải, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định hướng đến việc phát triển cảng biển ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.