Tính đến ngày 21-5,ịchtảheochuPhidiễnbiếnphứctạkqbd.duc dịch tả heo châu Phi xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới và có diễn biến ngày càng phức tạp.
Cán bộ thú y tỉnh Hậu Giang xử lý số heo bị bệnh
Theo đó, sáng 21-5, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các mẫu xét nghiệm heo chết (7 con với trọng lượng 290kg) của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (tổ 10, phường An Tây, TP Huế) đều cho kết quả dương tính với virus dịch tả heo châu Phi. Như vậy, sau 2 ổ dịch tả heo châu phi xuất hiện đầu tiên tại huyện Phong Điền vào trung tuần tháng 3 đã được khống chế, dịch bệnh này lại xuất hiện trở lại theo chiều hướng lan rộng và số ổ dịch xuất hiện nhanh hơn.
Cùng ngày, UBND huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện này đang tiến hành các bước kiểm điểm, phê bình Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp về trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tả heo châu Phi. UBND huyện Quảng Xương cho biết, dịch tả heo châu Phi lây lan và bùng phát nhanh trên địa bàn. Từ ngày 2-5 phát hiện ổ dịch đầu tiên cho đến ngày 20-5, trên địa bàn huyện đã có 23 xã công bố dịch tả heo châu Phi, ngoài ra có 4 xã có heo mới ốm chết đang gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Tính đến 16 giờ chiều 19-5, huyện này đã tiêu hủy 1.488 con heo với tổng trọng lượng 102.832kg.
Tại tỉnh Nghệ An, dịch tả heo châu Phi cũng đang có xu hướng phát sinh ra nhiều xã, huyện trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này cho hay, kể từ ổ dịch xuất hiện đầu tiên tại xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu) vào ngày 12-3, đến nay tỉnh này đã có 11 huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi gồm: Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nam Đàn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Hoàng Mai. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã tiêu hủy 515 con heo với tổng trọng lượng 25 tấn.
Tại tỉnh Hà Tĩnh dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện trên đàn heo 55 con của hộ ông Đặng Văn Đoàn (ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên); đặc biệt, ổ dịch này được phát hiện chỉ cách 2 trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn 2.000 con gần 200m nên nguy cơ dịch xâm nhiễm, bùng phát đe dọa rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tại các tỉnh lân cận, vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp “nóng” để triển khai khẩn cấp các công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Thời gian qua, nhiều thương lái sử dụng nhiều chiêu trò hoặc sử dụng taxi, hoặc cho heo vào thùng xe tải chở gỗ rừng trồng để vận chuyển vào địa bàn tiêu thụ. Những hành vi này đều được người dân phát hiện và báo cho đơn vị chức năng kịp thời xử lý. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kêu gọi, các cơ quan sở, ngành đơn vị chức năng cần phải vào cuộc ngay từ bây giờ để cùng phối hợp với các địa phương phòng chống dịch, không thể buông lỏng hoặc ngồi yên đợi dịch.
Tại tỉnh Bình Dương, ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú ý và thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương xác nhận đã phát hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương).
Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 1.000 con heo của 2 cơ sở chăn nuôi trên đồng thời thực hiện tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng dịch và kiểm soát môi trường trong khu vực.
Cả 2 ổ dịch trên nằm trên trục đường ĐT741, cách điểm có dịch tả heo châu Phi tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước khoảng 30km, mặc dù được lực lượng chức năng kiểm dịch gắt gao thời gian qua nhưng vẫn không thể khống chế. Hiện lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Sở NN-PTNT và địa phương có dịch thực hiện các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, cũng vừa xuất hiện thêm một điểm dịch tả heo châu Phi mới tại xã An Phước, huyện Long Thành. Như vậy, tính đến thời điểm này, Đồng Nai đã có 8 xã của 4 huyện là Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành xuất hiện dịch tả heo châu Phi với lượng heo mắc bệnh và phải tiêu hủy khoảng 2.000 con.
Chiều cùng ngày, Sở Công thương Đồng Nai đã có cuộc họp với các ngành chức năng bàn việc tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh và thống nhất đưa ra biện pháp mua, giết mổ heo và trữ đông, góp phần giảm phát sinh dịch bệnh, cân đối nguồn thịt heo cho cuối năm.
Còn tại Hậu Giang, theo Chi Cục Thú y tỉnh Hậu Giang, địa bàn huyện Châu Thành A là nơi phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã qua 31 ngày trên địa bàn không có gia súc chết và tiêu hủy do bệnh. Trước đó, ngày 11 và 20-4, trên địa bàn huyện Châu Thành A đã ghi nhận 2 ổ dịch đầu tiên trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa A. UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh tả heo châu Phi. Những biện pháp khẩn trương và quyết liệt này đã giúp địa bàn huyện Châu Thành A không phát sinh thêm ổ dịch nào trong 31 ngày qua.
Tại Cà Mau, trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, có nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã kiểm tra thực địa tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật dọc tuyến giáp ranh với tỉnh.
Qua kiểm vùng giáp ranh với tỉnh cho thấy, ngoài các tuyến đường bộ còn có rất nhiều tuyến sông, kênh liên thông vào địa phận tỉnh, ông Hải yêu cầu lập thêm các chốt kiểm soát trên các tuyến sông, tăng cường thêm lực lượng ứng trực, siết chặt toàn vùng giáp ranh. Sau chuyến kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau chủ trì cuộc họp khẩn cấp, trực tuyến đến các xã phường, thị trấn trong tỉnh, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Chiều 21-5, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ nội dung báo chí vừa nêu về việc trục lợi từ dịch tả heo châu Phi tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ. Theo phản ánh, tại xã Bình Lãng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân dù không có chuồng trại hoặc có chuồng trại để nuôi gà, nuôi thỏ… cũng khai báo nhà có heo chết để được hỗ trợ thiệt hại do dịch tả heo gây ra. Thậm chí, còn có tình trạng một số hộ đánh tráo hoặc dùng một đàn heo để khai báo nhiều lần với cơ quan thú y để trục lợi trên chính những con heo bệnh, khiến người dân địa phương rất bức xúc. |
Theo NHÓM PV/SGGP