Thời gian dài, nhiều nơi, nhiều lúc cán bộ ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) hay than vãn: Việc làm sai quy định của tổ chức, cá nhân trong sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN) có cả cố ý nhưng KBNN chỉ từ chối thanh toán khi phát hiện chứ không có chế tài nhằm răn đe, ngăn chặn; chỉ báo cáo lên cấp trên sau khi đôn đốc, nhắc nhở và đôi lúc còn phải hướng dẫn lại khi đơn vị dự toán, chủ đầu tư cho là chưa hiểu đúng quy định. Nay hẳn hoi đã có cơ chế mới, chế tài cụ thể cho từng loại vi phạm hành chính bằng một phần nội dung Nghị định 192/2013/NÐ-CP của Chính phủ, Thông tư 54/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính và Công văn hướng dẫn số 2924/KBNN-THPC của KBNN.
Lộ trình cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực KBNN, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế vào NSNN cũng như đối tượng sử dụng NSNN trong chi trả kinh phí hoạt động, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, dự án, công trình kịp thời đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình, thì việc từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo khung pháp lý đầy đủ để điều chỉnh mọi hoạt động kinh tế, ngân sách có liên quan hệ thống KBNN là cần thiết.
Phạt vi phạm hành chính lĩnh vực KBNN được quy định từ Ðiều 46 đến Ðiều 54 trong Nghị định số 192/2013/NÐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về việc “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm; chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước” và toàn bộ nội dung Thông tư hướng dẫn số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính quy định hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực KBNN nêu rõ nguyên tắc xử phạt, thẩm quyền ra quyết định, đối tượng áp dụng, thời hạn thực hiện và cụ thể mức phạt cho từng hành vi vi phạm. Tổ chức, cá nhân nộp phạt tuyệt đối không được sử dụng tiền NSNN hoặc có nguồn gốc từ NSNN.
Ðơn cử, theo quy định việc tạm ứng vốn đầu tư trong thời gian 6 tháng cho xây lắp, 1 tháng cho đền bù giải phóng mặt bằng chủ đầu tư phải tiến hành các thủ tục thanh toán khối lượng, thu hồi tạm ứng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 500 tỷ đồng số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã vượt quá thời hạn theo quy định nhưng đã qua không làm gì khác là nhắc nhở, đôn đốc. Những vi phạm trên của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án theo cơ chế mới có đủ điều kiện để phạt và cùng với phạt là khắc phục hậu quả bằng các biện pháp, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp trả ngân sách vốn đã ứng.
Dưới góc độ đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đang thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho làm đại diện để mua sản phẩm của nhà cung cấp. Lý do nào đó làm chậm trễ hoặc sai quy trình quy định, KBNN buộc phải từ chối thanh toán. Ðiều đó làm cho công trình của Nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện trễ hạn.
Cá nhân làm chậm trễ, sai quy định đương nhiên chịu trách nhiệm thông qua việc phạt theo cơ chế mới, công trình vẫn thực hiện tiếp tục và gần như bình thường. Còn như trước đây, chưa áp dụng phạt vi phạm, KBNN từ chối thanh toán trong đó có khoản khắc phục được làm chậm tiến độ, khoản không khắc phục được do cơ chế quy định buộc phải lòng vòng xin phép cơ quan thẩm quyền, chồng chéo Trung ương, địa phương quyết định. Vô hình chung Nhà nước bị thiệt, người gây ra thiệt là cán bộ công chức được Nhà nước trả lương.
Trên đây, chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những vi phạm đã và sẽ xảy ra hội đủ điều kiện để KBNN ra quyết định xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền và cả biện pháp khắc phục hậu quả, đó là: Xử phạt do chi vượt, sai và không có trong dự toán NSNN; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức; vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi NSNN; gửi cam kết chi đến KBNN trễ thời hạn… Ðặc biệt, vi phạm trong lập hồ sơ, chứng từ giả mạo (có mức phạt cao nhất). Hơn thế, qua phạt vi phạm hành chính, đơn vị sử dụng ngân sách sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới, trách nhiệm người đứng đầu nhất là việc khắc phục hậu quả không loại trừ cán bộ cơ quan KBNN. Góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lành mạnh hoá bộ máy quản lý, nâng cao năng suất chất lượng công chức, đánh giá đúng đắn năng lực hoạt động cán bộ của đơn vị làm cơ sở cho sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả trong thời gian tới.
Các văn bản nêu trên là bước đột phá nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo khung cơ chế chính sách mới mà Chính phủ đã giao cho ngành. Qua thực tiễn hoạt động lĩnh vực KBNN sẽ kịp thời bổ sung, chỉnh sửa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo điều kiện cho các bên tham gia hoạt động làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn NSNN./.
Trịnh Công Văn