Con Vàng chậm chân nên đành ở lại trên bờ đê ngóng theo chủ
Chiều cuối tuần. Một tay cuốc,ộiđồngsănchuộket qua bong da indonesia một tay xẻng, một bao dứa cùng chiếc thùng nhựa, Lâm, Hào, Lài nhanh nhẹn leo lên chiếc ghe neo sát bờ đê. Vừa chống sào chuẩn bị xuất phát, bỗng nghe tiếng loạt soạt, rồi tiếng ư ử, cuối cùng là những âm thanh như “hít hít” như “năn nỉ” phát ra từ 2 chú chó lông vàng đang vẫy đuôi rối rít, chân trước cào cào vào mặt đê ra chiều sốt ruột.
Dưới ghe, Tuấn bật cười quay qua nói Hào đang lúi húi tát từng gàu nước ra khỏi ghe thôi cho tụi hắn đi cho vui, có 2 con nớ cũng đỡ lắm. Dứt lời, Tuấn ngoắc ngoắc tay, vèo một phát đã thấy con Ki chễm chệ trên ghe, con còn lại, thấy Lài gọi là Vàng, cuống quýt thế nào đầu vướng vào chùm dây dại thành ra “lỡ chuyến đò”, cứ chạy dọc bờ đê trông đến tội.
Chống sào ra một đoạn, thấy cả xứ đồng xăm xắp nước, tiếng cá, tiếng tôm tí tách, tiếng vịt ăn đàn quàng quạc vang vọng cả làng quê. Tấp ghe sát gò đất lưng chừng nước trong khu vực mộ tổ Tứ Tộc (mộ 4 ngài khai canh làng Vân Trình), con Ki phi ào xuống nước rồi nhanh nhẹn lao lên gò đất sục sạo.
Đúng lúc này, từ đằng sau nghe tiếng lội lõm bõm, Lâm cùng một chú chó loang lổ trắng chẳng hiểu bám theo từ lúc nào đang đứng trên gò đất rũ rũ bộ lông sũng nước nhanh chóng “nhập cuộc” với con Ki. Lâm nói con ni tên Cún, cũng một cây săn chuột thứ dữ ở làng ni. Thường mọi khi hay gọi hắn đi cùng, bữa ni thấy không gọi nên tự động chạy theo, tội nghiệp, vừa nói Lâm vừa xoa xoa đầu chú chó.
Sau ít phút lùng sục, hai chú chó phát hiện được một hang chuột. Ki và Cún dường như rất hiểu ý nhau, không cần chủ ra hiệu, hai con chia nhau ra 2 đầu hang, vừa cào vừa “canh me”. “Chuột đào hang thường ít nhất 2 lỗ để dễ trốn khi bị săn tìm. Mấy con chó của em săn nhiều nên “thuộc bài” rồi, đố mà chạy được”. Dứt lời, Hào lấy cuốc khoét lỗ hang rộng ra, Lâm, Lài thay nhau múc nước đổ đầy miệng hang. Nước ngập hang, vài giây sau đã thấy chú chuột đồng lông vàng rộm, to như nắm tay người lớn lóp ngóp bò ra. Bên cạnh, con Ki, con Cún vẫy vẫy đuôi ra chiều đắc ý.
Nắm gáy chú chuột béo mẫm vừa kịp bẻ răng cửa đã nghe tiếng í ới phát hiện thêm một hang chuột. Nhưng lúc này, chưa kịp khoét hang, đổ nước, chuột nghe động chạy ào ra khỏi hang. Chỉ bằng hai lần nhún chân, con Ki vồ trúng “đào phạm”. Tiếc là sau một hồi gầm gừ trong cổ họng, chú chuột trôi tuột vào bụng con Ki. “Dẫn chó đi săn chuột, cho ăn no quá chó không siêng lùng sục, nhưng nếu đói bụng, nhiều khi bắt được nó chén luôn. Cũng đôi khi không biết “tức tối” hay răng, có con vồ được chuột không ăn nhưng cứ nhay nhay trong miệng. Mà như rứa coi như con chuột đó vứt luôn vì xương gãy, da, tim gan phèo, phổi nát hết, không chế biến được”, Lâm nói.
Hơn một giờ lùng sục khắp gò, chui cả vào bụi dứa dại ngã nghiêng bên mặt nước, hai chú chó như thấm mệt. Con Ki còn đỡ, con Cún thè lưỡi, da bụng sát rạt vào xương sườn. Thấy vậy, cả nhóm tạm giải lao. Ngồi trên gò đất, Dũng kể con Cún tên rứa thôi chớ hắn năm ni 11 tuổi rồi, là mẹ của con Ki và con Vàng lúc nãy bị bỏ lại. Đã già, lại bị giun sán chi đó vật cho gần cả tuần, em mới đem tới thú y xong nên chừ tướng tá còn dặt dẹo, nhưng săn chuột thì máu thôi rồi.
Đúng như lời Dũng, vừa hồi lại sức, con Cún phăm phăm chui lủi bụi bờ. Gò này tìm không có, Cún bơi sang gò khác, quyết săn cho đủ “chỉ tiêu”. Còn con Ki, chắc đã lưng lửng bụng nên có dấu hiệu “ải ải”, phải có hiệu lệnh của Hào mới chịu chạy theo “phối hợp” cùng “đồng bọn”. Cũng nhờ sự “nhiệt tình” của Cún, cả nhóm tìm được một hang chuột khá to, có đến 5, 6 miệng hang phụ sát mép nước. Như “rút kinh nghiệm”, hai chú chó chia nhau trấn giữ mấy miệng hang trong yên lặng, chỉ trừ cái đuôi ngoáy tít liên tục như để báo hiệu cho chủ.
Hai người trên, hai người dưới, cả nhóm nhanh chóng khoét lỗ, bịt hang phụ rồi liên tục đổ nước vào hang. Hang ni to thiệt, múc cả chục xô mà chưa thấy chi hết, vừa nói Hào trở cán xẻng thọc thọc vào miệng hang. Thêm khoảng 3 xô nước, tình hình trong hang vẫn “án binh bất động”, Lâm sốt ruột vung cuốc định đào thêm, bất ngờ trong hang vang lên tiếng chít chít, một chú chuột vọt từ trong hang xuống nước. Trên bờ, con Cún “bỏ vị trí” ngay tức khắc ào xuống. Sau một hồi rượt đuổi, “kẻ đào phạm” đã bị Cún “điệu” trở về giao tận tay chủ nhân với ánh mắt đầy hãnh diện.
Cái hang to tiếp tục được đổ thêm hai xô nước, lũ chuột trong hang lóp ngóp trồi đầu lên. Hơn mười con, con mô con nấy mập thù lù, Hào nói như reo rồi nhanh chóng chụp gáy, bẻ răng từng con nhét vào bao dứa. “Răng chuộc sắc, nhọn. Bẻ răng để tránh nó cắn lúc lôi ra làm thịt”, Hào giải thích sau thắc mắc của bạn đồng hành.
Hơn hai mươi chú chuột đồng sau 3 giờ quần thảo, ước chừng đã đủ “đạm” cho mâm cơm gia đình và cuộc rượu ấm cúng cuối tuần với món chủ lực chuột thui rơm, cả nhóm thu dọn ra về và không quên huýt sáo gọi 2 chú chó vẫn đang mải mê theo dấu chuột đồng. Như để đường về ngắn lại, Hào tiếp tục rỉ rả chỉ nên đi săn chuột đồng vào tầm giữa tháng 9 đến đầu tháng 12 dương lịch. Khi đó qua thời điểm gieo cấy, chuột kiếm ăn không “dính” hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, lúc chế biến an toàn hơn.
“Dân Phong Bình làm ruộng là chủ yếu nên gạo không thiếu. Lỡ buổi chợ thì đem lưới, đem câu ra đồng kiểu chi cũng có con tràu, con ếch. Bắt chuột đồng phần để giảm thiểu chuột phá hoại mùa màng, phần vừa là thú vui, vừa để thỉnh thoảng thay đổi khẩu vị bữa cơm lúc nông nhàn chứ không phải là sinh kế như một số bà con bên kia sông”, vừa nói, Hào chỉ tay về phía xã Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị), nơi có chợ Hải Hòa chuyên bán thịt chuột buổi sáng và có nhóm người thường qua Phong Điền săn chuột vào ban đêm và trở về lúc trời tang tảng sáng.
Tụ tập ở nhà Hào cùng đống chiến lợi phẩm, sau một hồi loay hoay với lửa với rơm, cả nhóm “ba xoa, hai đập”, xếp bằng trên bộ phản lên màu đen bóng nhấp ngụm rượu gạo cay nồng, nhấm nháp miếng chuột thui rơm ngọt thơm mùi rơm rạ. Phía đầu hồi, đám trẻ con nhà Hào lanh canh bát đũa với món chuột đồng nấu khế trong mơn man gió đồng, trong tiếng nói cười rộn rã. Chợt tiếc thầm, giá như biết mùa săn chuột đồng sớm hơn chút nữa…
Bài, ảnh: Hàn Đăng