đặc biệt là việc ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP tháo gỡ cơ bản các vướng mắc. Những kết quả này là nền tảng, là nguyên nhân giúp chúng ta đạt mức tăng trưởng cao. Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo vừa diễn ra sáng 31/1.
Một đồng bán ra thu về được 15,52 đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN (Ban Chỉ đạo), số lượng DNNN hiện đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 DNNN năm 2011 xuống còn hơn 500 DNNN, gồm 7 tập đoàn kinh tế (TĐ), 57 tổng công ty nhà nước (TCT), 441 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương. DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực (năm 2001 là 60 ngành, lĩnh vực), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN. Các DNNN sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Hồng Long, năm 2017, có 69 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có nhiều DN quy mô vốn rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016.
Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách năm 2017 đạt gần 145.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017 (60.000 tỷ đồng). Trong đó, thu từ cổ phần hóa là 5.192,44 tỷ đồng, thu từ thoái vốn là 139.385 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách là 8.915 tỷ đồng. “Một đồng bán ra thu về được 15,52 đồng”, ông Nguyễn Hồng Long cho biết.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, TĐ, TCT đã báo cáo rõ kết quả quá trình cổ phần hóa, sắp xếp DNNN thời gian qua, cũng như những vướng mắc, tồn tại và khó khăn cần tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho biết, vướng mắc lớn hiện nay trong cổ phần hóa, sắp xếp DNNN là xử lý về đất đai, cũng là nguyên nhân chủ yếu làm chậm quá trình cổ phần hóa DN. “Chúng tôi sợ mất tài sản chứ không phải không quyết liệt”, đại diện TP. HCM nói. Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị có một cơ chế về quản lý sử dụng đất đai trong DN thuộc bộ.
Báo cáo công tác sắp xếp nhà đất khi cổ phần hoá, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trước đây khi phê duyệt phương án cổ phần hóa thường phê duyệt luôn phương án sắp xếp nhà đất, do đó việc rà soát không được kỹ, dẫn đến việc sử dụng không đúng quy hoạch, đúng mục đích. Hiện nay, UBND TP đang lập lại trật tự về sử dụng đất đai của DN, yêu cầu thực hiện đúng quy hoạch, tổ chức đấu giá để sử dụng hiệu quả hơn. Các DN phải thực hiện theo phương án kinh doanh, không được chuyển mục đích sử dụng sau khi cổ phần hóa, tránh hiện tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
Nhiều TĐ, TCT thiếu lãnh đạo chủ chốt
Ngoài ra, một vướng mắc nữa trong quá trình cổ phần hóa là thiếu các chức danh lãnh đạo tại nhiều DNNN. Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối DN trung ương, trong số 33 TĐ, TCT hiện nay có tới 9 TĐ, TCT, ngân hàng khuyết cán bộ chủ chốt, điển hình như ở: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)… Ông Thanh đề nghị không nên tạm thời giao quyền, giao phụ trách đối với những DN đang chuẩn bị cổ phần hóa khuyết chức danh, mà phải bổ nhiệm người có đủ năng lực và dài hạn để họ xây dựng kế hoạch cổ phần hóa và sau này thực thi có trách nhiệm.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, công tác cán bộ hết sức quan trọng, từ việc phân công, phân cấp, ai làm việc gì và thay người hợp lý. Các DN thiếu người đứng đầu làm gì cũng khó. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các TĐ, TCT rà soát cán bộ quản lý, Văn phòng Chính phủ tổng hợp để báo cáo đầy đủ tới lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, TĐ, TCT phải nêu phương án đề xuất, điều chuyển cán bộ, vì Chính phủ không thể đi tìm người cho DN.
Đối với vấn đề đất đai, Phó Thủ tướng yêu cầu việc quản lý, kiểm soát đất đai khi cổ phần hóa phải chặt chẽ, công khai, minh bạch. DN trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Đánh giá cao kinh nghiệm của Hà Nội, Phó Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đang làm tốt khi xác định được 165 mảnh đất của DNNN cần thu hồi để đấu giá đất công khai. Đối với TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng chỉ đạo với những trường hợp chỉ còn một, hai mảnh đất chưa được phê duyệt, có thể vẫn cho tiến hành IPO nhưng phải công bố công khai. Riêng với việc xử lý đất đai tại các nông lâm trường, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực sự vào cuộc. “Các sở tài nguyên môi trường từng tỉnh phải vào cuộc chứ không chỉ sở tài chính”, Phó Thủ tướng nói.
Ban hành Nghị định 126 là thành công lớn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả trong năm 2017 với sự thể hiện đa dạng trên nhiều mặt. Từ hoàn thiện thể chế, chính sách, kế hoạch cho đến đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả, thoái vốn, cổ phần hóa, phát triển DN. Những kết quả này là nền tảng, là nguyên nhân giúp chúng ta đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2017, chúng ta đã quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước, nhất là về cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết, đất đai, định giá DN, với những chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt của Chính phủ với tinh thần “Chính phủ phục vụ DN”.
“Năm 2017, điều làm được lớn nhất là sửa Nghị định 59, tất cả những vướng mắc được nêu đã cơ bản được giải quyết tại Nghị định 126. Chưa có giai đoạn nào chúng ta ban hành được kế hoạch cho cả giai đoạn 5 năm đến năm 2020, phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu DNNN 2016 – 2020 với danh mục cổ phần hóa theo từng năm, kể cả danh mục thoái vốn, công bố công khai để nhà đầu tư biết như năm vừa qua. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)…”, Phó Thủ tướng nói.
Bước sang năm 2018, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là năm cao điểm về cổ phần hoá, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, với số lượng DN phải sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn lớn, nhiều DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, việc xử lý tài chính, xác định giá trị DN phức tạp. Ngay từ quý I đã và sẽ diễn ra hàng loạt cuộc IPO của các DNNN quy mô lớn. Năm 2018 cũng là năm thành lập và đưa vào hoạt động Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Trong giai đoạn cao điểm này, Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành “không được buông tay”, phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình chuyển giao, sắp xếp DNNN.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu sớm rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại yếu kém của DNNN, các dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả. Trong đó, 12 dự án của Bộ Công thương chỉ là một phần, Bộ KH&ĐT sẽ phải tiếp tục rà soát thêm. Vừa qua, qua rà soát, Bộ KH&ĐT đã phát hiện 43 DN, dự án có dấu hiệu không hiệu quả, với số vốn khoảng 44.000 – 45.000 tỷ đồng. “Nhiều DN thực chất đã chết lâm sàng, nếu vực được thì vực, không thì theo nguyên tắc thị trường, cho giải thể”, Phó Thủ tướng nói. |
Hoàng Yến