Tập huấn công tác phòng, chống dịch cho lao động ở Bình Dương. Ảnh: CTV |
Nhu cầu lớn
Sau nhiều tháng tạm ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, nay các doanh nghiệp ở Bình Dương đã trở lại hoạt động và tăng cường tuyển dụng lao động cho đơn hàng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng nguồn “cung” không đáp ứng “cầu” nên doanh nghiệp phải tung nhiều “chiêu” để thu hút.
Bà Phan Thị Cẩm Tú - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Timberland, chuyên sản xuất ghế sofa xuất khẩu có trụ sở chính tại Bình Dương cho biết, trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư công ty có khoảng 8.500 lao động. Sau khi dịch được kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trở lại, chỉ có khoảng 4.000 lao động trở lại làm việc dẫn đến đang rất thiếu hụt lao động, trong khi đơn hàng cuối năm khá dồi dào.
Hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng 4.500 lao động phổ thông để kịp đơn hàng cuối năm. "Chúng tôi đã cho đăng tải thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, dán thông báo tại khu tập trung đông người, thông qua giới thiệu của công nhân trong công ty và cử nhân viên “săn” lao động... thế nhưng mỗi ngày chỉ tuyển được khoảng vài chục người” - Bà Tú chia sẻ.
Kèm theo đó, doanh nghiệp này cũng cam kết đưa ra nhiều chế độ phúc lợi để giữ chân, cũng như thu hút lao động, nhưng cái khó là lao động tại chỗ ở Bình Dương không nhiều nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Thiếu lao động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất.
Theo vị giám đốc này, tạm thời giai đoạn dịch vừa rồi công ty còn hàng tồn kho để xuất khẩu, một số đối tác cũng thông cảm, nhưng viễn cảnh sắp tới nếu cứ như thế này sẽ khó hình dung được khách hàng sẽ như thế nào. Công ty sẽ cố gắng khắc phục để không ảnh hưởng nhiều, một mặt tuyển thêm lao động, một mặt tổ chức lại ca, kíp để tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt cho biết, doanh nghiệp muốn hoạt động 100% công suất cần phải có 1.100 lao động. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua hơn 500 công nhân đã rời bỏ công ty về quê tránh dịch. Giờ đây để tuyển đủ số lao động để duy trì sản xuất công ty phải nỗ lực xoay sở trong khó khăn. Mặc dù lâu nay công ty đã có những chính sách quan tâm đến người lao động như hỗ trợ tiền trọ, chế độ cho phụ nữ mang thai và tiền nuôi con nhỏ. Để có lao động công ty tiếp tục chấp nhận lỗ, chi thêm hỗ trợ để thu hút lao động.
“Sau khi các tỉnh thông thương chuyện đi lại dễ dàng hơn công ty sẽ tiếp tục liên lạc đưa công nhân trở lại. Lâm Việt cũng mong muốn có những phần thưởng riêng để hỗ công nhân trợ bù vào thời gian nghỉ do dịch bệnh. Mặc dù, năm nay công ty hiệu quả kinh tế không tốt nhưng ngoài lương, thưởng tết như hàng năm sẽ có một khoản riêng để giữ chân người lao động” - ông Liêm cho biết.
Chưa có số liệu thổng kê tại thời điểm hiện tại, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có hàng doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự như hai doanh nghiệp nói trên. |
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, nguồn lao động tại chỗ hiện nay rất ít nên cần phải liên kết đưa lao động từ các tỉnh về Bình Dương. Tuy nhiên, việc này phải có sự phối hợp từ nhiều phía, nhiều địa phương, đơn vị mới có thể giải quyết được.
“Bình Dương mở cửa đón lao động nhưng các tỉnh khác có cho người dân đi hay không lại là chuyện khác. Song song đó, lao động trở lại thì doanh nghiệp có nhận hay không khi họ kêu thiếu, nhưng với trường hợp người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, hoặc F0 khỏi bệnh thì không nhận... nên phải có chính sách đồng bộ, liên tỉnh, đồng thời có cơ chế phù hợp” - ông Phương nói.
Giúp doanh nghiệp giải "cơn khát" lao động vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa xe về đón công nhân quay trở lại Bình Dương làm việc. Khi người lao động đến Bình Dương sẽ được quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần và vắc-xin phòng Covid-19.
Theo số liệu thống kê, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động để ổn định sản xuất. Ngay trong quý I/2022, khi 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại, doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ cần thêm hàng chục ngàn lao động nữa, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.
Bình Dương thiếu nhân lực như hiện nay chủ yếu là do người lao động về quê tránh dịch chưa muốn trở lại làm việc. Ngoài ra, vẫn còn nhiều lao động chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và nằm trong vùng phong tỏa nên chưa đủ điều kiện để đi tìm việc làm trở lại.
Để kết nối việc làm và cung ứng nguồn lực nhanh cho các doanh nghiệp, từ đầu tháng 10 khi Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã liên tục tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Trung tâm cũng kết nối lao động ở các doanh nghiệp ngưng sản xuất chuyển qua các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Bàn về chuyên đề này, mới đây Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, tỉnh đang phối hợp với các tỉnh có đông người lao động ở Bình Dương để đón họ quay lại và hỗ trợ chính sách đối với các địa phương này.
Hiện nay, Bình Dương vẫn còn trữ vắc-xin để người lao động quay lại chưa tiêm mũi nào sẽ được tiêm, tiêm 1 mũi sẽ được tiêm mũi 2 để đảm bảo cho tỉnh kiểm soát được dịch, sớm phục hồi sản xuất.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù đã quay trở lại hoạt động sản xuất nhưng nỗi lo lớn nhất của họ là dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Nếu như vậy, doanh nghiệp sẽ gặp khó do đứt gãy chuỗi sản xuất và người lao động không còn niềm tin ở lại Bình Dương. Do đó, bên cạnh việc khôi phục kinh tế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ./.